- Mình nên ở đây để bảo vệ sanh mạng cho mình và cho lão Tư
Hiếm.
Trên nhà, vợ chồng ông Henri nói chuyện thì thào, cãi to tiếng vài
câu. Máy thâu thanh bỗng vang lên vài điệu nhạc. Lính Lê dương bên
đồn tập họp điểm số. Trời lại mưa.
Tiếng động cơ xe hơi, tiếng giày đinh, tiếng kêu réo của bọn lính
Lê dương đã đánh thức tôi, đâu hồi bốn giờ khuya.
Xe chạy ầm ầm ngang qua cổng biệt thự. Bà Henri đã ra khỏi nhà
hồi nào... Ngọn đèn ở hành lang vẫn để sáng, suốt đêm. Một đóm lửa từ
từ rề lại trên chiếc ghế bố, nơi tôi đang nằm. Tôi giả bộ nhắm mắt.
Đóm lửa nọ đáp xuống sát mí mùng rồi từ từ rời ra: ông Henri Nhan
dò chừng xem tôi còn nằm tại đây hay đã lẻn trốn!
Sau buổi lót lòng, ông Henri bảo tôi đem giấy mực tiếp tục viết nốt
phần tiểu sử cận đại nhứt của đời ông, giai đoạn từ 1944 đến nay. Ông
dẫn giải sơ sài vài nét chánh rồi ngồi trầm ngâm, lẩm bẩm từng chập:
- Chừng này, đoàn xe tới cầu số Một, lính sắp hàng xuống tàu...
Con kinh cạn lắm, “tụi nó” chẳng có cắm chướng ngại vật, tàu của Tây
hay lắm, chạy nơi nước cạn dễ dàng. Tàu tiến về Mốp Giăng theo lòng
con kinh do tôi đào hồi năm 1936. Nếu chú ý, ông quan tư sẽ thấy rõ
núi Ba Thê, núi Tượng, cái Sân Tiên trên núi... Chẳng hiểu nhà tôi biết
cách giải thích không nữa? Đàn bà hời hợt lắm. Chắc thế nào đoàn tàu
cũng ghé ngay bến, lên sân nhà tôi. Nhà bị phá hết rồi nhưng còn nền
sân lót gạch phía trước...
Những điều ấy, ông chủ Nhan nói cho riêng ông ta nghe... Tôi giữ
thái độ im lặng, cắm đầu viết. Ngòi viết chạy nhanh trên giấy nhưng
tâm trí của tôi vẩn vơ tận đâu đâu. Rủi ông quan tư bị phục kích dọc