Tôi thừ người, như đứng giữa tư bề lửa đỏ. Bà vịn vào vai tôi, nói
nhanh:
- Tôi mến ông lắm, rất tiếc chưa giúp ông được gì. Bấy lâu, tôi
xem ông như người em đáng thương. Ông về đi, nhớ coi chừng coi đỗi.
Đừng buồn. Sự việc trước sau gì cũng chỉ xảy ra như vậy thôi!
Nhà lão Tư Hiếm đóng cửa chặt, đóng từ trưa hôm qua. Người lân
cận nói thêm:
- Sau khi thầy ra khỏi nhà, chập sau ổng cũng đi, mang theo cái
ống điếu cây ớt hiểm. Chắc là đi chơi xa.
Tôi nằm im trên giường, chẳng màng việc ăn uống. Tôi đóng chặt
cửa, chẳng cần hé ra xem thử. Tôi biết rằng nhà lão Tư Hiếm chẳng
bao giờ mở cửa để đón tôi nữa. Ngay chiều hôm đó, dường như có hai
người lạ mặt đi ngang qua nhà lão, nhìn số nhà rồi nhìn qua nhà tôi
đang ở trọ. Tôi hút thuốc, tay chân mãi lạnh ngắt. Tôi không sợ những
người còn sống, tôi chỉ sợ người khuất mặt... Họ có thể gặp tôi bất cứ
giờ phút nào, bất chấp cả những bức tường ngăn cách. “Đừng buồn...
Trước sau gì cũng chỉ xảy ra như vậy thôi!”. Câu nói chân thành ấy có
lẽ chỉ an ủi đắc lực kiểu người ưa đùa giỡn như bà chủ Nhan. Đối với
tôi, nói vẫn là ngụy biện. Ngoài biển đen ngòm, vài đốm sáng leo lét của
loại đèn bão treo tòn ten tận chót cột buồm ghe lưới. Ghe neo lại nhưng
ánh đèn rung rinh, trở thành những vì sao trong đêm tối om. Lâu lâu,
vượn hú, khỉ kêu nghe thảm thiết bên rặng cây bần. Mưa lạnh lâu
ngày, vin mãi trên cành, khỉ vượn vừa sợ đói vừa sợ té, rốt cuộc vẫn té
vì đói vì lạnh để rơi vào miệng cọp. Đó là chuyện rừng núi. Ở Xóm
Biển này, khỉ vượn chỉ bị trầy trụa, lem lấm chút ít để rồi từ bãi bùn
chúng trèo trở lên cành mà vin mãi.
Sáng hôm sau, người lối xóm tri hô: Một cái xác vừa trôi vào bãi
bùn, xác của lão Tư Hiếm! Cá tôm rỉa xác lão gần hết nên - ngoại trừ