hoa thiên lý mát rượi, ông ngồi hút thuốc, chân mang vớ tận gối, đội
chiếc bê rê đen (chắc là để che cái đỉnh đầu sói sọi). Giữa sân, hai hòn
non bộ đối diện, “hai hải đảo thần tiên” thì đúng hơn vì có nước bao
xung quanh. Dưới đáy hải đảo, ông đã xây một chốn thủy cung dành
riêng cho loại cá vàng, cá sọc... Bỗng dưng, ông búng hai ngón tay nghe
“tróc, tróc”. Từ bên kia nhà, một con chó caniche chạy tung tăng ra
sân. Nó kéo khệnh khạng một kiểu xe mà các tướng La Mã thời xưa
thường dùng khi ra chiến trận. Trên chiếc xe hai bánh ấy, một con búp
bê tí hon nằm ngửa, kê trên gối gòn. Ông Henri nói lẩm bẩm vài câu
tiếng Pháp. Con chó dừng bước, quay bên phải, bên trái... Tôi thương
xót cho tuổi già của ông: trò chơi ấy ngụ nhiều ý nghĩa! Ông ao ước sẽ
có một đứa con trai để nối dõi - nỗi ao ước gần như tuyệt vọng. Lúc
điều khiển con chó, hàm râu ông nhếch lên, khoái trá như người hát
xiếc đang chế ngự một con sư tử hung hăng nhứt thế giới!
- Chào ông chủ! - Tôi mạnh dạn lên tiếng, chẳng bợn chút tự ti
mặc cảm. Thời nay khác thời xưa. Nếu ông chủ Nhan “đã” là một nhân
vật thì tôi đây “đang”... là một nhân vật đến viếng theo lời yêu cầu của
chủ gia chớ nào phải vì muốn xin công việc làm.
Qua vài câu hỏi thăm, ông nói:
- Nhà tôi đi kêu đào kép, mướn họa sĩ, giao thiệp với ký giả. Tôi
đau yếu hoài, ngồi nhà đóng vai tuồng của... một cây nêu!
Ông nói tiếp:
- Thời buổi tân tiến này không cần dựng cây nêu trước sân, thiên
hạ vẫn cứ ăn tết vui vẻ rộn rịp như thường. Ở thành thị, thôn quê gì
cũng vậy, phải không ông thi sĩ. Tôi là cây nêu trong nhà!
Tôi đỡ lời ông, liếc mắt qua bàn giấy: