- Ông vẫn là người hữu dụng cho xã hội, nếu ông muốn. Dường
như ông đang viết...
Ông thở dài:
- Tôi dự định viết hồi ký, theo kiểu Thủ tướng Churchill nhưng
còn trong vòng chuẩn bị, nghiên cứu thêm về triết học Đông Tây, rút
vài kinh nghiệm lưu cho hậu thế. Đâu như cái “tiểu sử” hồi xưa, ông
quên giùm tôi, đừng nhắc lại.
Tôi chụp lấy cơ hội tốt ấy:
- Trong thiên hồi ký bây giờ, tôi tin rằng ông còn dành ra mươi
hàng để nói về chuyện Chúa Ngung, Ma Nương, quan tư Ca Rê và...
tôi.
- Từ sáu bảy năm nay, tôi ao ước gặp ông để thanh minh, kẻo ông
hiểu lầm. Người trẻ tuổi như ông đôi khi hẹp lượng! Thật ra, giới đại
điền chủ ở Hậu Giang rất hiền hậu, so với các “anh hùng hảo hán” đi
chinh phục... đất hoang ở Mỹ hoặc Nam Mỹ Châu hồi thế kỷ thứ mười
tám.
- Tôi hiểu rồi, nhưng còn cái tích Chúa Ngung, Ma Nương đầu
đuôi ra sao? Trong miễu thờ pho tượng gì?
- Chuyện dài lắm, ông hãy nằm trên chiếc ghế “phô tơi” nghỉ
lưng. À, vài tháng sau cuộc hành quân Mốp Giăng hồi xưa, ông Ca Rê
đổi ra Trung Kỳ, tử trận ngoài ấy. Pho tượng đã được gởi về Pháp
trước đó một tháng. Ông Ca Rê bảo là tượng người nữ tỳ cầm thếp đèn
nhưng đã gãy tay, thuộc mỹ nghệ Ba Tư, sản xuất tại Óc Eo, chân núi
Ba Thê từ thế kỷ thứ ba, thứ tư sau Tây lịch...
Bấy giờ, tôi mới hiểu tục lệ cúng Chúa Ngung, Ma Nương gọi một
cách văn chương là lễ “tá thổ”. Theo lời ông Henri Nhan kể thì bốn