- Xin lỗi ông thi sĩ, chuyện xưa rồi. Nói lại mà nghe vậy thôi. Trong
thực tế, nếu ông không đến bàn luận với lão thì chắc chắn lão vẫn sống
ở Xóm Biển chợ Rạch Giá hoài hoài. Ông nên nhớ rằng trước khi đem
bắn, tụi Tây tra tấn lão, lão có nhắc tới tên ông! Bằng không, ông đã bị
bắt ngay rồi bị bắn thả trôi sông một lượt với lão... Kể từ đó, ông Ca
Rê sanh nghi, luôn luôn theo dõi mọi hành động của tôi. Một phần vì
ông ta đã “giữ” pho tượng trong tay rồi. Phần khác, vì tôi đã “ngụy
biện” để cứu sinh mạng cho một thi sĩ...
Tôi đứng dậy, đi tới đi lui:
- Thà tôi chết hồi đó một lượt với lão Tư Hiếm còn sướng hơn...
sống mà nghe ông kể ơn. Té ra bấy lâu nay tôi vô ơn bạc nghĩa quá.
Nếu... trúng số độc đắc, tôi đúc ngay một pho tượng kỷ niệm để chưng
trong phòng... Tượng một người bé nhỏ - là tôi - đang đứng khom lưng
cõng đội ơn một người to lớn - là ông.
Ông Henri Nhan cười giòn:
- Ông thi sĩ nói vậy quá đáng, tội nghiệp tôi quá. Tôi nào xứng
đáng.
Tôi gắt gọng:
- Vậy thì tôi đúc ngược lại một người lớn tuổi - là ông - khòm lưng
nâng đỡ trên vai một người bé nhỏ - là tôi - Chúng ta đạp trên cái xác
bằng đồng của lão Tư Hiếm đang nằm úp mặt xuống đáy biển. Lão
mới là chánh phạm của cuộc cãi vã hôm nay!
Ông Henri Nhan nổi giận lên, từ từ rút khăn chậm mấy giọt mồ
hôi trên trán và chùi mớ nước miếng sùi hai bên mép. Tôi ngỡ rằng
ông định mở loạt đả kích khác, nhưng tôi lầm to. Nụ cười bỗng dưng
nở trên môi ông ta, hiền hòa hơn bao giờ hết.