hương với ông, được chỉ huy theo đường lối gia trưởng. Thỉnh thoảng nếu
bị ông cằn nhằn, rầy rà oan ức, cậu lơ cau mày rồi bỏ qua, như ngày xưa
người cha áp dụng kỷ luật “phu xử tử vong”, “áo mặc không qua khỏi đầu”.
Mỗi tối thứ bảy, vào khoảng một giờ trưa, cậu lơ và ông chủ không cần hò
hét bắt mối. Đã có có một số thân chủ đến tìm. Đó là những thầy thợ về
thăm gia đình. Họ không cần mang khăn gói vì ở nhà họ đã có sẵn bộ đồ
mát để thay đổi. Tuần lễ đầu tháng, họ mua đem về từng ký lô xà bông,
từng cái áo thun con nít, đôi ba ổ bánh mì. Ai dám bảo là đàn ông không
biết đi chợ, không biết tiết kiệm từng đồng từng cắc?
Xe chuyển bánh chầm chậm, khi chạy hết tốc lực thì cũng không lẹ
hơn ai. Trên đồng hồ tốc độ, ghi rõ ràng từng cây số đến một trăm cây số
nhưng cây kim đã liệt, đong đưa như quả lắc... Ông “xốp phơ” nheo mắt,
chú ý vào công việc tiểu công nghệ, cả tay ngọc gót vàng đều làm việc.
Thoi nhật nguyệt đây là cái “vô lăng” và máy âm dương là bàn đạp “ga”
xăng. Đó là nói theo bài thơ khẩu khí của vua Lê Thánh Tôn. Thi sĩ đời nay
có lẽ sẽ ca ngợi thêm. Chiếc xe đò lỡ này là chiếc thoi dệt những mối tơ
giao cảm trên nẻo đường đất nước, đưa những giọt máu trở về tim để gạn
lọc tìm lại những gì là lành mạnh v.v...
Tốc lực vừa phải của chiếc xe giúp cho du khách có đủ sự trầm tĩnh
mà suy nghĩ. Xe chạy quá nhanh chỉ đánh thức sự kiêu hãnh và gây sợ sệt
trong lòng người. Ra khỏi bến Chợ Lớn - Cây Mai, không khí thay đổi.
Mưa đầu mùa đã nhuộm xanh vào rặng cây ở chân trời. Con trâu cúi đầu ăn
cỏ. Đôi bóng người xê dịch trên bờ ven nhỏ, che dù. Ai cũng quen thuộc,
nhìn nhau không bỡ ngỡ. Hồi làn sóng văn minh vật chất mới tràn tới,
người ta ao ước được ngồi trên xe hơi, dầu là xe đò. Ngày nay khác hẳn,
“Giấc Nam Kha khéo bất bình, bừng con mắt dậy thấy mình tay không”.
Giá trị của đồng quê đã sáng chói, như viên ngọc quý bấy lâu không được
ai lau chùi, nay lại chưng vào tủ kính. Vài người thỏa mãn trong giấc Nam
Kha, tay nắm đầy châu báu nhưng khi thức tỉnh, họ cũng không muốn về
quê để tạo lập một cơ sở, một phần mộ. Cát bụi trở về cát bụi. Chúng ta