- Chuyện ở đâu vậy? Xứ đó chắc xa lắm. Con nít bây giờ ít biết giỡn
điệu đó.
- Ở Tân Huề, Châu Đốc.
Người khác nói:
- Quê của vợ tôi đó! “Tân Huề, Tân Quới, Tân Long, ba Tân nhập lại
không xong Tân nào”. Câu hát xưa nói về cù lao Tân trên sông Cửu Long.
Con nít chơi dại quá. Cha mẹ không ai rầy la?
- Đâu có biết mà rầy la. Không ai dạy tụi nó trò chơi đó. Tụi nó chế ra.
Miệt tôi, nghe nói hồi xưa con nít chăn trâu cũng giỡn (rắn mắt) một lần,
nhờ vậy mà nổi danh. Móc đất sét tụi nó nắn hình người rồi đặt tên: đây là
ông cả, đây là hương chủ, đó là ông hương sư, hương giáo, chánh lục bộ.
Rồi hô một tiếng, tụi nó quăng mấy hình nhơn đó xuống sông, lõm bõm.
Đất sét thì phải chìm. Trời xui đất khiến, cớ sao có một tượng đất sét nổi
lình bình. Đó là tượng ông hương cả. Hay được, dân làng thỉnh tượng đó về
thờ, cất đình. Bây giờ còn danh là “đình chăn trâu”. Nước mình xứ nào
cũng có chuyện lạ.
Một giọng khác nói:
- Xứ của tôi ở xa lắm, vì mới khai phá nên sung túc. Trước năm kinh
tế khủng hoảng 1930, giới điền chủ thiệt là no đủ, “trên ô-tô, dưới thời ca
nô”. Đời văn minh, khó mà xảy ra chuyện linh hiển lạ kỳ như ông anh mới
nói.
- Vậy thì buồn quá!
- Đâu mà buồn. Cũng có cất đình nhưng đâm đơn về Huế mà không
được vua Bảo Đại phong sắc thần gửi vô. Dân chúng mới chế biến ra nhiều
ông hiền, ông thánh mà thờ! Tam hiền, nhị thánh.