- Vậy thì ông phải nói một chuyện gì để trả lễ lại chớ.
- Theo kỷ luật “sốp phơ” nghe bà con... thì tôi không được nói chuyện
lúc hành nghề và không được ngồi gần gái đẹp. Rủi lãng trí thì hư hao.
Nhưng mà bà con châm chế giùm. Bữa nay không có cô gái đẹp nào ngồi
gần tôi. Mấy cổ kiếm xe tốt mà đi chớ đâu thèm đi xe này, mất “le” hết. Với
lại tôi là sốp phơ lão thành, dẫu nói chuyện chớ luôn luôn nhớ nhiệm vụ.
Bây giờ nói chuyện xứ tôi. Không có tam hiền, nhị thánh. Nhưng có ông
tổng bảy, ông phó ba với thầy xã hai cắc chín. Từ chợ quận ra chợ tỉnh, hồi
xưa chỉ có xe ngựa, mấy người sang trọng hễ đi thì bao trọn một cỗ xe. Mỗi
cuốc như vậy, thầy cai tổng cho “buộc bo” bảy cắc, ông phó tổng tiết kiệm
hơn, trả giá ba cắc, thầy xã thì trả hai cắc chín xu thôi... Riết rồi thành “tà
ríp”, thành danh “tổng bảy, phó ba, thầy xã hai cắc chín”.
- Tại sao thiếu một đồng xu?
- Vì sau ngựa phải qua đò, đò ăn một xu. Thầy xã bắt buộc chủ xe
ngựa phải chịu tổn phí đó, nên chủ xe còn hai cắc chín. Bây giờ xin nói qua
ông cai tổng. Về già ổng sắm một chiếc xe ngựa riêng cho oai. Năm đó ổng
đi Sài Gòn mua được một con ngựa bắc thảo, thứ ngựa cao lớn dình dàng
mà nhà binh Tây hồi xưa dùng để kéo súng “cà nông” lớn. Ngựa già, nhà
binh dạt nó ra.
Mỗi tuần, con ngựa bắc thảo đó kéo xe, đưa ông cai tổng ra chợ để hầu
quan chủ quận Châu Thành.
Năm ấy, dịp lễ 14 Juillet, tục gọi là lễ Chánh Chung, ông cai tổng đánh
xe ra chợ tham dự. Kèn nhà binh thổi tò te tí te, cờ tam sắc đi tiên phuông,
theo sau là binh sĩ nai nịt chỉnh tề đều bước. Con ngựa bắc thảo bỗng nhảy
nhổm, trố mắt. Ông cai ghì cương lại. Ngựa vẫn lồng lộn, hí vang rền. Giật
mình, ông nhảy xuống.