- Còn đám kia? Hò hét điều gì?
- Dạ, đó là vợ với hai đứa con tôi chớ ai đâu xa lạ. Góc rừng này tôi
cất chòi ở “một mình ên! một cõi”. Hổm rày nghe danh thầy, tôi muốn tới
thăm, ngặt chưa tìm được món gì xứng đáng. Sẵn đây, tôi biểu mấy đứa
nhỏ xách ra cho thầy một xâu rùa vàng, mùa này trứng rùa béo lắm.
Thầy đội gật đầu:
- Được rồi! Cám ơn. Chú tên gì?
- Dạ, tôi là Trương văn Đặng, kêu là Bảy Đặng, vợ tôi là Trần thị Tám,
gốc gác ở Bò Húc, Cần Thơ xuống đây lập nghiệp. Mấy năm rồi, nghèo
quá, nói thiệt thầy thương giùm, tôi chưa đóng nổi giấy thuế thân. Tôi nghĩ:
mình ở một chỗ không có đi đâu, vài bữa thì ra ngoài xóm, tới tiệm Chệt
mua rượu uống cho ấm bụng, vậy thôi. Cần gì giấy tờ, thuế khóa.
- Thịt rùa ngon quá. Trứng béo quá!
Đó là lý do khiến thầy đội Bình trở lại vùng ranh giới mà tìm Bảy
Đặng, người tặng rùa hôm trước. Thêm một nhiệm vụ bí mật khác: thầy
muốn điều tra nguyên do cháy rừng. Mùa hạn; lửa cháy, lá khô, lan ra: ấy là
trời xui đất khiến, nhờ vậy mà hồi xửa hồi xưa ông bà chúng ta được dịp ăn
thịt nướng lần đầu tiên trong hang đá. Trường hợp cháy rừng này có khác.
Biết đâu Bảy Đặng cố ý đốt rừng để bắt rùa nhậu chơi. Việc phá hoại tài
sản nhà nước ấy cần ngừa trị gấp. Tại sao thế gian này lại còn có những
phần tử ích kỷ. Hèn gì... dân Việt Nam chưa mở mặt với thế giới.
Đến chòi của Bảy Đặng, thầy đội trố mắt hồi lâu. Trong chòi, chú Bảy
đã xây cái hồ to lớn, chứa chấp bao nhiêu là rùa. Đôi ba trăm con rùa đủ cỡ,
đủ loại, đang cỡi đè lên nhau, chen lấn nghe lộp cộp. Con thì ngả ngửa,
khoe cái yếm vàng lườm, bốn cẳng ngoe nguẩy bơi trong không khí. Con
khác cố gắng quào vào vách hồ bằng sậy, lú cổ dài nhằng, miệng há rộng,
thiếu răng giống như mỏ chim. Loại rùa nắp thì e thẹn, khép cái yếm lại,