- Mấy thứ đó ở đây sản xuất khá nhiều. Hổm rày, tôi muốn tìm cách
bắt buộc dân chúng đóng thuế.
Nghe qua, tôi cố gắng nín cười. Phải chăng ông Phô Nô liệt các loại
lươn, rùa, ếch, rắn vào hàng thú rừng như cọp, heo, nai, voi.
Ông ta giải thích:
- Theo pháp luật, họ phải đóng thuế.
Tôi đưa ý kiến:
- Khi nào họ bán ra chợ Rạch Giá hoặc bán lên Sài Gòn thì sẽ đóng
thuế. Theo chỗ tôi hiểu thì nhà nước thuộc địa đã thâu thuế môn bài nhà
vựa cá...
- Bên Pháp, vào rừng săn bắn là phải đóng thuế. Huống gì mỗi năm, ở
làng nhiều người làm giàu nhờ lươn. Đây là bằng cớ: Tại làng Đông Bình,
có tên... Năm Lươn cưới hai con vợ, nhờ nghề bắt lươn. Anh ta giàu lắm,
mỗi tuần ra chợ Rạch Giá bán gần 200 ký lô lươn sống. Tên thật anh ta là
Trần văn Lượm, vì bắt lươn quá giỏi nên dân chúng tặng biệt hiệu là Năm
Lươn!
Cái tên Năm Lươn này như quen tai, nếu không lầm thì dường như tôi
đã từng nhậu với anh đôi ba lần tại nhà người bạn quen nào đó. Anh ta ở
giữa đồng không mông quạnh, bạn bè ít tới lui vì đường sá khó khăn. Hễ đi
bộ thì thiếu đường mòn, cỏ mọc cao nghệu đầy cánh đồng, còn đi xuồng thì
nước ngập lé đé khỏi mặt đất chừng ba tấc.
Ông Phô Nô nói tiếp:
- Tôi nhờ anh điều tra tên Năm Lươn. Tại sao hắn sản xuất quá nhiều
lươn như vậy. Hai trăm ký lô mỗi tuần, mỗi ký lô ba con, tức là sáu trăm
con lươn.