Do đó người bắt lươn được gọi là người “kéo trúm”. Gặp Năm Lươn
là chuyện dễ. Anh ta tôi đã từng nghe biết!
- Ủa, cậu Ba! Bữa nay lên xứ này chơi hả?
Tôi đáp:
- Cậu Ba, cậu Tư gì! Kêu tôi bằng em cháu, bằng thằng cũng được.
Tôi nhỏ tuổi hơn anh Năm nhiều. Đêm rồi kéo trúm khá không?
- Chừng năm chục kí lô. Mệt thấy mẹ...
- Một mình anh làm ra tiền bằng hai người khác. Mệt mà có tiền, anh
còn đòi chuyện gì bây giờ.
Năm Lươn cau mày, rủ tôi tới chòi uống rượu chơi. Anh ta chỉ về phía
xa xa, giữa cánh đồng hoang.
- Nhà tôi ở bờ đìa. Nhưng mà ra cái chòi này, vui hơn.
Rồi anh ta day mặt, nhìn về phía mé rừng tràm. Dọc đường, tôi hỏi:
- Chòi nào nữa? Nghe đồn anh Năm có tới hai vợ. Đằng kia là nhà của
“bà lớn”, phía rừng tràm là nhà của “bà nhỏ” hả?
- Bà nhỏ ở xóm đình. Chòi này dành riêng tôi ở một mình cho khỏe
thân.
Bấy giờ, vào khoảng tháng Năm. Mưa khá nhiều nhưng đồng cỏ chưa
nổi nước. Từng bầy cúm núm bay bổng khi chúng tôi đến sát bên ổ. Lát
sau, chúng tôi vào căn chòi. Hàng trăm cái ống trúm chất đống, theo trật tự,
giống như những gốc củi xếp đặt sẵn từng thước khối, chờ giao cho thân
chủ.