Cơ quan biên tập và in ấn do Đào Hưng Long phụ trách và được đặt trong
một chòi lá, cất bên mé rạch Cầu Chong ở Thị Nghè. Một nữ đồng chí tên
Huệ Minh đã được đoàn thể gởi đến đây và về sau là người bạn đời của
H.H. Tường. Tạp chí Tháng Mười cũng như các sách huấn luyện đều được
in theo lối in xu xoa nhưng đã được cải tiến. Xu xoa thay vì đổ vào khuông
chỉ in được một lần, thì nay được đổ vào một hộp thiếc dày, trong có đặt
nhiều tấm kiếng có gỗ kê cách nhau khoảng một phân. Mỗi miếng kiếng sẽ
giúp có được hai mặt xu xoa láng, tốt hơn mặt xu xoa tự nhiên.
Cơ quan ấn loát bí mật nầy được duy trì khá lâu, nhưng đến tháng Chín
năm 1932 thì bị phát giác. Đào Hưng Long và Huệ Minh bị bắt. Tạp chí
Tháng Mười đành phải ngưng hẳn vì Hồ hữu Tường cũng bị bắt hai tháng
sau đó, vào ngày lễ Đình chiến 11 tháng Mười một, 1932. Đó là lần thứ hai
H.H. Tường làm báo bí mật; lần này được duy trì lâu hơn lần đầu tiên khi
tờ Tiền Quân chỉ ra được có một số độc nhứt.
Trong bót mật thám Catinat, bị nhốt riêng một mình trong một buồng nhỏ,
không biết được ngày ra, H.H. Tường sợ có thể bị quẫn trí phát điên nên đã
theo gương một nhà cách mạng Nga là Bakounine tự sáng lập một tờ “báo
nhẩm”. Bakounine chủ trương cách mạng vô chánh phủ (Anarchisme) và bị
chế độ Nga hoàng nhốt tù. Bakounine chủ xướng mỗi ngày ra “báo nhẩm”,
xuất bản hằng ngày như ngoài đời, với đủ chi tiết : xã thuyết, bình luận thời
cuộc, tin tức (bịa đặt), văn chương tiểu thuyết v.v...Tường đặt tên tờ báo
của mình là Thiên Thu lấy trong câu thơ “nhứt nhật tại tù, thiên thu tại
ngoại”. Tường đã “xuất bản” được 70 số báo Thiên Thu trong bót Catinat
và chỉ đình bản khi được chuyển qua Khám Lớn vì nơi đây không còn nạn
bị nhốt riêng. Sau nầy H.H. Tường vẫn còn nhớ được chuyện tiểu thuyết đã
viết trong Thiên Thu và năm 1967, đã kể lại trong lời tựa của tác phẩm
“Người Mỹ Ưu Tư ”.
Trước khi bị bắt, trong thời gian phụ trách tạp chí bí mật Tháng Mười, H.H.
Tường cũng đồng thời đã thực sự bước vào làng báo công khai. Tường
được mời hợp tác viết trong tờ Nam Nữ Giới Chung của hai ký giả có tiếng
thời bấy giờ là Cao Hải Đễ và Trần Hữu Độ. Trần Hữu Độ là một nhà nho
có óc tiến bộ, đã tìm cách thức tỉnh đồng bào bằng cách phổ biến tư tưởng