Mũi xuồng cui ló ra khỏi khúc quanh của con rạch, và trên xuồng, chồng
chèo lái, vợ ngồi không trước mũi mà hò. Cặp vợ chồng nầy, Cộc quen mặt
mấy năm nay, nhưng không biết họ từ đâu đến. Nó chỉ biết họ ra biển để
bắt cua và bắt ba khía, một năm mấy kỳ. Nghe tiếng người lạ nói, nhứt là
tiếng hát, Cộc sướng như có lần tía nó cho nó ăn một cục đường từ nơi xa
mang về.
Thà là không được ăn, chớ còn ăn một chút xíu thì cái vị của món ăn còn
chọc thèm hơn bao giờ cả. Nên khi Cộc nhìn xuồng chèo khuất dạng rồi thì
xây lưng tức khắc để chạy lên Ô-Heo.
Trọn vùng nầy, ông nội nó đặt tên là Ô-Heo. Nhưng riêng trong gia quyến
nó thì Ô-Heo chánh hiệu là một cái gò xa ở trên kia, cách mé rạch đến hai
dặm hú. Số là hồi trước, ngày đầu tới đây, ông nội nó với tía nó đi kiếm đồ
ăn trong rừng, đã gặp nơi đó một ổ heo rừng. Cả ổ heo đều bị sát hại hôm
đó và việc canh tác của gia quyến nó về sau nầy đã đuổi thú dữ đi xa.
Tuy nhiên, đề phòng chúng trở lại, ông nội nó đã cấm nó lên Ô-Heo một
mình. Thằng Cộc lại thích lên đó, ban đầu chỉ vì Ô-Heo có sức quyến rũ
của một trái cấm, nhưng về sau, nó gặp người nơi đó.
Đó là vài người đàn ông và đàn bà, nói là ở xa lắm, cách đó một ngày
đường sông. Đàn ông thì đến để gác quốc, gác nhan sen, còn đàn bà thì để
nhổ bồn-bồn về làm dưa bán.
Đó là những người bạn bí mật của nó, nó giữ kín không cho nhà nó biết. Họ
hay kể chuyện xóm làng, chuyện đám cưới, đám ma, đám hát, đám cúng
đình, tóm lại tất cả sinh hoạt của làng mạc mà từ lâu Cộc không thấy và
ngậm ngùi tưởng đến như nhớ những kỷ niệm xa xôi.
Cộc chạy qua khỏi ruộng nhà và đứng lại nghỉ mệt. Nó mệt lắm vì nó chạy
dưới nước và dưới bùn, mặc dầu lúa đã đến mùa gặt.
Năm xưa, gia quyến nó đến đây vào cuối tháng giêng, sau khi cúng ông vải
xong ở quê cũ. Ông nội nó với tía nó đốt rừng tràm từ ngoài bờ rạch. Gió
thổi vô rừng, và lửa, như con vật khổng lồ, đã táp một cái vào khối thịt
xanh um của biển rừng tràm nầy. Thành ra ruộng nhà nó mang một hình
tròn kì dị, không tròn đều đặn vì không ai chỉ huy được sự cháy rất là rắn
mắt của ngọn lửa.