suối, ngoạm khúc gỗ mang trở lại. Có lúc Thúy Thúy và con chó vàng đều
dỏng tai lên nghe ông kể chuyện chiến tranh nhiều năm trước ở trên thành;
có lúc ông và cháu, mỗi người cầm chiếc sáo dọc làm bằng tre đưa lên môi
thổi khúc nhạc đón dâu, đưa con gái về nhà chồng. Có khách sang đò, ông
già đặt sáo xuống, một mình đi tới bến đò đưa khách sang ngang. Còn cô
cháu gái đứng trên mỏm đá thấy đò đã chuyển mình thì lanh lảnh gọi to:
- Ông ơi ông, ông nghe cháu thổi rồi hát theo nhé!
Đò đến giữa suối, ông già vui vẻ cất tiếng hát. Giọng khàn khàn cùng với
tiếng sáo âm vang trong không khí tĩnh mịch, dòng suối dường như cũng
nhộn nhịp hơn một chút (thực ra tiếng hát trở đi trở lại chỉ làm mọi cảnh ở
đây càng tĩnh lặng hơn).
Có lúc khách qua đò là trâu, nghé, là đàn dê, là kiệu hoa của cô dâu từ miền
đông Tứ Xuyên qua Trà Đồng, Thúy Thúy thế nào cũng tranh đưa đò. Em
đứng ở mũi đò, kéo chão với vẻ lười nhác để cho con đò từ từ qua suối.
Trâu, dê và kiệu hoa lên bờ rồi, Thúy Thúy thế nào cũng đi theo. Em đứng
lại trên đỉnh núi nhỏ, đưa mắt dõi theo đám khách đã đi xa rồi mới trở lại
đò, kéo đò về bờ gần nhà. Em tự bắt chước tiếng dê kêu, tiếng trâu mẹ kêu
khe khẽ, hoặc hái một bó hoa dại buộc lên đầu làm cô dâu.
Thành Trà Đồng chỉ cách bến đò một dặm đường, khi cần mua dầu mua
muối, khi ngày tết ngày lễ ông già muốn uống một cốc rượu thì ông cụ
không lên thành, con chó vàng sẽ cùng đi với Thúy Thúy vào thành để mua
sắm các thứ. Khi tới hiệu tạp hoá mua hàng, em thấy ở đó có hàng bó mì
gạo, hàng chum đường trắng, có pháo, có nến đỏ, thứ gì cũng để lại ấn
tượng rất sâu cho Thúy Thúy. Trở về bên ông, em bao giờ cũng kể mãi
những chuyện đó cho ông nghe. Bến sông ở đấy còn có rất nhiều thuyền, to
hơn con đò rất nhiều, thú vị hơn nhiều, Thúy Thúy không dễ quên được
những con thuyền đó.