2
THÀNH TRÀ ĐỒNG DỰA NÚI KỀ SÔNG MÀ XÂY NÊN. Phía sát núi,
tường thành như một con rắn dài bò theo núi; phía kề sông thì dành một
khoảnh đất bên sông ở ngoài thành làm bến, trên bến đậu những thuyền
mui nho nhỏ. Thuyền xuôi chở dầu đồng
, muối, ngũ bội tử
thuyền ngược thì chở bông, sợi bông, vải tấm, tạp hoá cùng đồ biển. Nối
các bến có một con phố men theo sông, nhà cửa phần nhiều một nửa bám
đất trên bờ, một nửa chìa ra sông vì đất có hạn. Những nhà ấy không nhà
nào không có gác sàn, chân chống xuống sông. Về mùa xuân, nước sông
lên to, khi nước tràn vào phố thì người trên phố dùng thang dài, một đầu
dựa vào hiên nhà mình, một đầu dựa vào tường thành. Ai nấy la lối ồn ào
mang khăn gói, chăn đệm, thạp gạo leo thang mà lên thành. Khi nước rút
mới qua cổng thành mà về. Nếu nước lên mạnh thì gác có chân chống thế
nào cũng có một vài nơi bị nước cuốn đi. Mọi người đứng trên đầu thành
chỉ biết ngây ra nhìn, người có gác bị cuốn trôi cũng ngây ra nhìn, dường
như không có gì để nói về tổn thất của mình, cũng chẳng khác gì nhìn
những nỗi bất hạnh khác không thể cứu vãn do thiên nhiên sắp đặt. Lúc
nước lên, đứng trên thành có thể nhìn thấy mặt sông đột nhiên rộng ra,
nước chảy mênh mông bát ngát, nổi chìm cùng với nước lũ có cả nhà, trâu,
dê và cây lớn. Thế là khi nước dịu đi một chút, trước chỗ neo thuyền thuế
quan thường có người chèo thuyền tam bản, hễ thấy trâu bò, khúc gỗ, hoặc
một chiếc thuyền không, hoặc trên thuyền có tiếng đàn bà và trẻ con kêu
khóc thì vội chèo thuyền lui về phía hạ du đến đón người và vật, buộc chặt
chão vào những thứ đó rồi chèo vào bờ. Những người dũng cảm này vừa
hám lợi, vừa trượng nghĩa, tương tự như người địa phương vậy. Bất kể cứu
người hay vớt vật, họ đều rất nhanh nhẹn và dũng cảm trong hành vi mạo
hiểm vui vẻ đó, khiến ai trông thấy cũng phải reo hò khen ngợi.
Con sông đó chính là Dậu Thủy nổi tiếng trong lịch sử, tên mới gọi là Bạch
Hà. Bạch Hà sau khi hợp lưu với sông Nguyên Thủy ở Thìn Châu thì hơi