bơi lội cực giỏi, đã xuống sông đuổi vịt thì dù có thế nào cũng không chịu
trở về tay không. Nhưng khi con trai thứ của ông là Na Tống ngoài mười
hai tuổi đã biết xuống sông, lặn một hơi đến bên con vịt rồi bỗng chồm
người từ dưới nước nhô lên tóm ngay lấy vịt thì người làm cha bèn nói như
chữa thẹn.
- Hay lắm, việc này đã có các con làm, cha bất tất phải xuống sông nữa!
Rồi quả nhiên ông không xuống sông tranh bắt vịt với người khác nữa. Còn
xuống nước cứu người lại là chuyện khác nữa. Hễ giúp người tránh xa được
hoạn nạn thì dù có phải nhảy vào lửa, vẫn là trách nhiệm không thể trốn
tránh của con người ấy, cho dù đến tuổi tám mươi.
Hai anh em Thiên Bảo, Na Tống đều là người giỏi bơi lội và chèo thuyền ở
địa phương này.
***
Tết Đoan ngọ lại sắp tới rồi. Mồng năm đua thuyền thì ngày mồng một, phố
bờ sông có cuộc họp, quyết định con thuyền nào của phố xuống nước ngay
hôm ấy. Vừa hay hôm ấy Thiên Bảo có việc, theo lái buôn đi đường bộ đưa
hàng tết tới Xuyên Đông, Long Đàm nên chỉ có mình Na Tống tham gia.
Mười sáu chàng trai chắc khoẻ như trâu tơ mang theo hương, đèn, pháo
cùng một cái trống có chân cao bịt bằng da trâu vẽ hình thái cực đỏ chót tới
nơi cất thuyền là hang núi phía thượng du. Sau khi thắp hương, đèn rồi kéo
thuyền xuống nước, mọi người lên thuyền đốt pháo, đánh trống, con thuyền
như một mũi tên, bắn vọt về phía hạ du. Lúc này mới là buổi sáng, buổi
chiều thuyền rồng của dân đánh cá bên kia sông cũng xuống nước, hai
chiếc thuyền rồng liền bắt đầu tập những cách đua. Lần đầu tiên nghe trống
đánh trên sông, nhiều người đã cảm nhận được niềm vui của ngày tết đang
đến gần qua tiếng trống đó. Những ai ở trên gác sàn ven sông có nhiều
mong đợi thì khi thấy tiếng trống đều nghĩ đến người ở xa. Vào ngày tết
này, tất nhiên có nhiều thuyền có thể về kịp, cũng có rất nhiều thuyền đành
ăn tết ở nửa đường. Giữa về và không về có biết bao nhiêu niềm vui buồn