- Cụ ơi, cụ cố chấp thế để làm gì? Cháu có bắt cụ phải cày ruộng đâu!
Nhưng nói thế nào cũng không nghe vì ông già cho đó là tiền mồ hôi nước
mắt, không so với việc khác được. Nếu người mổ lợn vẫn không chịu nhận
tiền thì ông già sắp sẵn số tiền phải trả rồi bất thình lình ném tiền vào ống
đựng tiền dài mà to rồi xách thịt bỏ đi. Người bán thịt biết tính ông già như
thế nên khi ông già mua thịt, bác ta chọn miếng thịt ngon nhất, lại cố ý cân
thừa ra. Ông cụ kịp thời trông thấy ắt nói:
- Này ông chủ, tôi không cần chỗ thịt ngon đâu. Thịt chân giò là thứ thịt mà
người trong thành thái chỉ để xào với mực, ông chủ đừng có đùa với tôi.
Tôi ưa thịt dọi, chỗ nhiều bì để về hầm với củ cải nhắm rượu.
Nhận thịt xong, ông già đếm lại tiền trước khi trao, lại bảo người bán thịt
đếm lại nhưng chủ hàng vẫn bỏ ngoài tai, ném luôn tiền kêu xủng xoẻng
vào ống tre dài. Thế là ông quản đò mỉm cười rất dễ thương bỏ đi. Người
hàng thịt và những người mua thịt khác thấy vẻ mặt đó đều cười hồi lâu.
Thúy Thúy còn biết thế nào ông ngoại cũng đến nhà ông Thuận Thuận.
Thúy Thúy ôn lại mọi chuyện được nghe, được thấy trong hai ngày tết
Đoan ngọ của hai năm. Lòng cô bé rộn lên niềm vui sướng, dường như
trước mắt có một vật gì đó, chẳng khác gì bông hoa quỳ màu vàng lung linh
mà khi nhắm mắt nằm trên giường sáng nay trông thấy nhưng không nắm
bắt được. Cái vật đó trông rõ ràng ở ngay trước mắt nhưng nắm không
được mà nhìn cũng không được chuẩn.
Thúy Thúy nghĩ: “Ở Bạch Kê Quan có hổ thật sao?”. Cô không biết vì sao
bỗng lại nghĩ đến Bạch Kê Quan. Thế là lại nghĩ: “Ba mươi hai người chèo
sáu mái chèo, khi ngược dòng gặp gió thì giương buồm lớn gồm một trăm
vuông vải ghép thành, trước tiên lên thuyền lớn ở đây rồi tới hồ Động Đình,
thật nực cười...”. Cô bé không biết hồ Động Đình rộng chừng nào, cũng
chưa bao giờ thấy thuyền lớn đến như thế. Nhưng nực cười hơn nữa là tự
cô bé cũng không biết tại sao mình lại nghĩ đến chuyện này.