Y thốt xong, chẳng màng nghe ai đáp, quay mình bước vào đại sảnh.
Bọn thanh niên áo tía đưa mắt nhìn nhau, mặt trơ như ngốc.
Kẻ nào còn kiếm, kẻ đó đặt tay lên đốc kiếm, song chẳng một thanh
kiếm nào được rút ra khỏi vỏ.
Vừa lúc đó, một người từ phía sau lưng họ thốt vọng tới:
- Kiếm, chẳng phải là vật trang sức, mang nó mà không biết dùng thì tốt
hơn đừng mang cho đỡ vướng bận.
Âm thinh lanh lảnh, tuy nhỏ mà vút cao, ẩn ước có gì thành khẩn dù rằng
khẩu khí có chạm tự ái người nghe.
Người phát thoại, rõ ràng là không khiêu khích, bất quá chỉ đưa ra một
câu, khuyến cáo vậy thôi!
Bọn thanh niên áo tía biến sắc, quay mình!
Từ trong bóng tối, người phát thoại bước ra, chầm chậm, chần này đặt
vững lắm rồi mới nhấc chân kia lên, đưa tới, chúng như kéo lết, chứ không
nhấc.
Bất quá, lối đi của người đó ung dung hơn nhịp bước của các lễ sinh
trong một cuộc tế điện.
Dáng đi tự nhiên, do tập quán từ thuở nhỏ, hay chân có tật?
Bây giờ, có nhiều người bắt đầu chú ý đến sự tình quanh bọn thanh niên
áo tía, nhất là họ nhìn gã bị Hoa Mãn Thiên làm bẽ mặt vừa rồi.
Kẻ nào đó, hỏi:
- Người thứ nhất các hạ gặp trong đêm qua, có phải là tên chân thọt đó
chăng?
Thì ra, người phát thoại từ trong bóng tối, vừa bước tới đó, có tật chân
thọt.
Và, y là Phó Hồng Tuyết.
Thanh niên chủ nhân chiếc kiếm gãy biến sắc mặt xanh dờn, cắn răng,
vồng gân mặt, hỏi:
- Thanh đao của các hạ, có phải là vật trang sức chăng?
Phó Hồng Tuyết lắc đầu:
- Không!
Thanh niên cười lạnh: