thành phố. Từng tốp phi cơ đi ứng cứu các mặt trận ầm ầm lao vút qua. Ánh
nắng chiều trải trên trận địa nham nhở, khét lẹt. Bóng những ngôi nhà méo
mó đổ dài xuống mặt đất. Những chiến sĩ mặt hốc hác bám đầy cát bụi vẫn
ôm ghì súng chờ đợi.
Từ 2 giờ sáng chiếm lĩnh trận địa, mọi người đều căng thẳng trong
những tình huống chiến đấu gay cấn tột độ. Lực lượng tiếp viện chắc là
không đến được. Đơn vị không được tiếp tế vũ khí, cơm nước. Oanh nghe
cồn cào trong bụng. Đói, khát bị lãng quên trong lúc giao chiến, bây giờ có
dịp hồi lại, Oanh bất giác cười thầm ở giữa Sài Gòn mà đói khát đến nhão
người. Bỗng có người gọi:
- Oanh, bánh mì!
Oanh chưa kịp nhìn ra ai thì chiếc bánh mì rơi dưới chân. Sau đó mọi
người đều có ăn. Thật kỳ lạ. Oanh và đồng đội phát hiện thấy bánh mì, bánh
chưng, bánh tét, bánh ít ở các ngạch cửa và lỗ thủng trên tường. Có khi còn
kèm theo cả ly cà phê thơm phức. Hiểu ra sự việc, ai nấy đều cảm động
trước tấm lòng cưu mang, ưu ái của bà con cô bác trong khu phố. Người Sài
Gòn vẫn ở bên cạnh các chiến sĩ, kể cả những giờ phút gay go nhất.
Ăn những miếng bánh nghĩa tình, Oanh lại nhớ trận đánh đầu tiên trong
đời mình. Trước khi đi trận, Oanh cũng ăn bánh mì của má Năm cho. Trận
đánh hiện ra rõ ràng từng chi tiết mới đây thôi. Đó là một ngày mùa thu
năm 1967, Oanh được đơn vị giao nhiệm vụ đánh trạm biến thế Hàng Xanh,
cùng đi với Oanh còn có Dung, một nữ chiến sĩ có nhiều kinh nghiệm tác
chiến ở nội thành.
Chưa bao giờ Oanh lại thấy mình hồi hộp như thế. Đánh thì được, nhưng
tiếng nổ phát lên thì thoát đi bằng cách nào? Rủi để địch bắt là vô cùng tai
hại. Trong chiến đấu, Oanh ngán nhất là để địch bắt. Đã có lúc Oanh tâm sự
với bạn bè: thà chết còn hơn. Mặc dù vậy, một niềm vui thầm lặng bừng lên
trong tâm trí, Đảng tin tưởng, tổ chức tín nhiệm mới giao nhiệm vụ cho