quyết định thì phải ra tay hành động ngay và nhất là hành động một cách bền bỉ.
Nhà hiền triết Hy Lạp Bias nói: “Lúc mưu toan thì phải trầm tĩnh mà khi hành
động thì phải nhiệt tâm và kiên chí”.
Tính lạc quan là do ảnh hưởng của hoạt động tính và của toàn thân cảm giác. Nó
là một yếu tố của đức kiên nhẫn giúp chúng ta san bằng mọi trở ngại.
Lạc quan không phải là nhìn thấy ở đời cái gì cũng tốt đẹp cũng dễ dàng. Lạc
quan là nhận định rõ những nỗi khó khăn có thể xảy ra trên đường đời song tin
chắc rằng chúng ta sẽ lướt thắng.
Nhưng dù lạc quan đến đâu cũng phải có một giới hạn: khi sự thất bại đã quá
hiển nhiên. Cũng như trong lúc hành động chúng ta phải biết quyết định thật
nhanh thì khi phải đương đầu với những trở ngại chúng ta biết chắc không thể
lướt qua, chúng ta cũng biết ngừng lại ngay, đừng cố lì một cách vô ích.
Lắm lúc, thật là một khổ tâm khi phải quyết định cách tiêu cực như nói trên.
Gặp trường hợp này chúng ta phải nhờ óc phán đoán, xét lại mọi khía cạnh của
tình trạng hiện hữu, cân nhắc tất cả chỗ lợi hại, đo lường những nguy cơ, những
thua lỗ cũng như một ít dịp may còn sót lại, sau khi cân nhắc kỹ chúng ta phải
quyết định chọn lấy giải pháp nào ít hại nhất. Kinh doanh cũng như kiện tụng,
khi còn trong vòng tranh chấp nếu thấy rõ mình bất lợi thì tốt hơn nên điều đình.
Sự cố lỳ là tật xấu nguy hại nhất cho nhà doanh nghiệp.
Vả lại trên đời này có mấy ai là người chỉ thành công mà không thất bại? Khi
trù liệu một công cuộc làm ăn chúng ta phải tiên liệu cái ngày ảm đạm ấy. Vị đại
tướng tài danh nhất lắm khi cũng nếm mùi thất bại. Bại trạng cũng chưa sao,
điều nên tránh là một cuộc đại bại toàn diện như Napoléon ở trận Waterloo.