của thế kỷ 19, một nhu cầu lạ lùng nhằm hạ thấp ván hóa và trí tuệ con
người bằng cách gọi đó là sản phẩm ngẫu nhiên, thứ yếu của những thế
lực phi lý và mù quáng. Thời đó họ còn cố hết sức chứng minh rằng
nho có thể mọc từ bụi gai.
Như vẫn thường thấy, những gì chúng ta lấp liếm và bỏ qua lại
hiển nhiên hơn cả. Cái khó ở đây là điều đó rõ ràng và căn bản đến mức
không thể tìm nổi ngôn từ thích hợp để diễn đạt. Người Đức gọi đó là
Hintergedanke, một hình dung ẩn sâu trong đáy tâm thức mà ta rất khó
thừa nhận, thậm chí với chính mình, về sự tồn tại của nó. Cảm nhận về
cái “tôi” như một trung tâm hiện hữu đơn độc và riêng biệt thực sự quá
thuyết phục và hợp lẽ, quá nền tảng đối với lối suy nghĩ và phát ngôn
của chúng ta, đối với luật lệ và các thiết chế xã hội, đến độ ta không thể
nào cảm nghiệm cái tôi của mình là gì đó khác ngoài một tồn tại nhỏ bé
trong toàn thể trật tự của vũ trụ này. Cái tôi tự thân dường như là tia
sáng yếu ớt lóe lên một lần duy nhất trong vô tận thời gian - là một sinh
thể hiếm hoi, phức tạp và hết sức mỏng manh bên lề tiến hóa sinh học,
nơi con sóng sự sống vỡ thành từng giọt lấp lánh muôn màu rực sáng
trong thoáng chốc để rồi tan đi vĩnh viễn. Với bối cảnh như vậy, ta coi
mọi nỗ lực để nhận thức bản thân không chỉ trú ngụ trong một giọt duy
nhất, mà nằm trong toàn bộ biển năng lượng dàn trải từ các thiên hà
cho đến trường hạt nhân trong thân thể ta dường như là bất khả và phi
lý. Ở cấp độ tồn tại này, cái “tôi” là một hiện hữu từ đã lâu; các hình
thái của “tôi” là vô tận, và sự đến rồi đi của chúng chỉ đơn giản là
những dao động hay xung động của một dòng năng lượng trường tồn.
Nhận thức được điều trên rất khó, vì tư duy khái niệm không nắm
bắt được nó. Việc này tương tự như khi đôi mắt ta cố nhìn thẳng vào
chính chúng, hay khi ai đó cố miêu tả màu sắc của tấm gương theo
những màu phản chiếu trong gương. Cũng như bản thân khả năng thị
giác quan trọng hơn hết thảy mọi điều đôi mắt thấy được, nền tảng hay
“căn nguyên” sự tồn tại và nhận thức của ta không thể hiểu theo những
khái niệm con người từng biết. Vì vậy, chúng ta buộc phải nói về nó
thông qua thần thoại - tức là, qua những ẩn dụ, so sánh và các hình ảnh