là hãy bỏ đi cái ý niệm nhân quả mà thay vào đó hãy dùng ý niệm tính
tương đối.
Vẫn chưa thật chính xác khi nói rằng một sinh vật “đáp lại” hay
“phản ứng” lại một hoàn cảnh cụ thể bằng cách chạy hay đứng, hay gì
đi nữa. Đây vẫn còn là ngôn ngữ bi-a của Newton. Sẽ dễ dàng hơn khi
nghĩ hoàn cảnh là những mô thức đang vận động, như chính sinh vật.
Do vậy, trở lại với con mèo (hay catting), một hoàn cảnh có hai tai
nhọn và ria ở một đầu, nhưng không có một cái đuôi ở đầu kia như sự
đáp lại hay phản ứng lại ria, móng vuốt, hay bộ lông. Như người Trung
Hoa nói, đó là nhiều chi tiết khác nhau trong một hoàn cảnh “tương
sinh” hay bao hàm lẫn nhau như mặt sau bao hàm mặt trước, như gà
bao hàm trứng - và ngược lại. Chúng tồn tại trong tương quan lẫn nhau
như các cực của nam châm, chỉ là có mô thức phức tạp hơn thôi.
Hơn nữa, như mối tương quan trứng/gà cho thấy, không phải mọi
khía cạnh của một hoàn cảnh tổng thể phải xuất hiện đồng thời. Sự hiện
hữu của một người bao hàm cả cha mẹ, dù họ có thể đã chết từ lâu, còn
sự ra đời của một sinh vật bao hàm cả cái chết của nó. Gọi sinh là nhân
của diệt chẳng lẽ lại ngoa ngôn hơn gọi cái đầu con mèo là nhân của cái
đuôi sao? Cầm cổ chai lên cũng bao hàm nhấc cả đáy chai, vì “hai bộ
phận” xuất hiện cùng lúc. Nếu tôi cầm một đầu cây phong cầm lên, đầu
kia sẽ theo sau đó một chút, nhưng nguyên tắc thì vẫn là một. Các hoàn
cảnh tổng thể, do vậy, là các mô thức trong thời gian cũng như các mô
thức trong không gian.
Và bây giờ chính là lúc để nói rằng tôi không cố đưa lậu vào
“hoàn cảnh tổng thể” một cái lốt mới cho những “sự vật” cũ, để dùng
nó mà cắt nghĩa những gì đang diễn ra trong thế giới. Hoàn cảnh tổng
thể hay trường bao giờ cũng mở, vì
Những trường nhỏ có những trường lớn
Bám chặt trên lưng,
Và những trường lớn có những trường lớn hơn
Và cứ thế đến vô cùng tận.