có mấy ngôi nhà như thế và thay vào một đứa trẻ bụng ỏng, đói ăn đã có
nhiều đứa khác.
Hồi mới cách mạng mấy năm liền tôi không gặp cái làng ấy của tôi. Ông
có tưởng tượng được là tôi đã hồi hộp thế nào khi thoáng gặp lại nó mấy
năm sau không? Làng vẫn như xưa nhưng đàng sau nó là cả một biển hướng
dương, còn bên cạnh ngôi nhà gỗ của chúng tôi (từ lâu tôi đã gọi nó là "của
tôi" trong ý nghĩ) tôi nhìn thấy một thiếu nữ da xạm nắng, đầu bịt khăn
vuông đỏ. Chắc đó là cô gái đã nằm trong chiếc nôi ngày nọ. Thiếu nữ đứng
ở ngưỡng cửa, đang cho gà ăn.
Từ đó cứ mỗi lần đi qua, tôi lại gặp thêm những cái mới. Những vườn anh
đào vừa gây mọc lên. Những ngôi nhà trẻ hẳn ra. Bên bờ đất quanh tường
những cây cẩm quỳ ra hoa đỏ hoa vàng. Một hôm tôi trông thấy một toán
học sinh. Chúng cắp những cuốn sách nhỏ và chạy. Những bờ ruộng đầy cỏ
dại đã biến mất. Lúa chín rực chạy như sóng trên thảo nguyên. Rồi một trạm
máy phát điện bằng sức gió xuất hiện. Từ trên tàu, cách xa đến một cây số
vẫn còn nhìn thấy vòng bánh xe của nó. Cái dấu hiệu mới ra đời như thế đấy.
Vườn tược mọc lên um tùm. Những cây liễu trắng kêu ào ào dọc các phố.
Chỉ có một lần đi ngang qua tôi không nhìn thấy làng: một đàn súc vật kéo
bụi mù lên che khuất nó. Thay vào những ngôi nhà gỗ cũ kỹ, đây đó đã lác
đác những ngôi nhà mới, mái lợp ngói.
Và rồi một lần tôi trông thấy máy gặt đập liên hợp. Lúc đó trời đã gần tối.
Nó đi trong bụi vàng của ánh hoàng hôn đồng cỏ. Thế là năm này qua năm
khác, tôi già đi, còn cuộc sống quanh tôi thì trẻ lại. Nhưng tôi cũng chẳng
phàn nàn.
Nhà thổ nhưỡng học nhìn ra cửa sổ.
- Sắp đến rồi. Ta ra ngoài hành lang đi. Làng ở phía bên kia.
Chúng tôi đứng bên cửa sổ hành lang. Gió nóng thổi tung tóc. Đàng xa,
sau một dãy dài cây keo thấp hiện lên ngọn tháp có chấn song cửa trạm phát
điện bằng sức gió, những núi cây xanh, lá cờ đỏ trên trụ sở Ủy ban xã,
những đường phố râm mát của làng, rất nhiều hoa trong các vườn, những