sống. Sau đó ông đứng dậy nhìn thẳng vào mắt tôi mà nói "Tôi đi đây. Chắc
chắn tôi sẽ không về ngay đâu." Chúng tôi yên lặng. Ôtxơ ra khỏi lều và đi
vào giữa cơn bão tuyết. Ông ngã xuống nhiều lần và để lại trên tuyết những
vết máu. Lúc đó là hai giờ đêm. Ông không trở lại nữa. Ông đã xử sự như
một người cao thượng".
Toàn bộ nền văn học chẳng khác gì câu chuyện ba hoa tầm phào của kẻ ăn
không ngồi rồi trước cuốn nhật ký của đại úy Xcốt, cuốn nhật ký của cái
chết, nhật ký của những con người nhẫn nhục bỏ mình vì hoại thư, vì đói và
vì giá buốt kinh khủng trên những sa mạc băng tuyết Nam cực.
Cuối cuốn nhật ký, Xcốt viết bằng những chữ run rẩy:
"Tôi nói với toàn thể nhân loại. Mọi người cần biết rằng chúng tôi đã mạo
hiểm, mạo hiểm một cách có ý thức, nhưng chúng tôi đã bị rủi ro trăm bề.
Nếu như chúng tôi còn sống, tôi sẽ kể lại những câu chuyện về lòng dũng
cảm lớn lao và cái vĩ đại giản đơn của các bạn tôi, nghe những câu chuyện
đó không ai là người không xúc động. Chúng tôi chết, nhưng không lẽ nào
một nước giàu có như nước Anh lại không chăm sóc đến thân quyến của
chúng tôi."
Xcốt đã lầm: nước Anh đã không hề chăm sóc những người thân của ông.
Bức thư ngắn của trung úy Ôtxơ về địa chỉ Anna Ô- Nâylơ rơi vào tay
một thủy thủ Nga tên là Vaxili Xêđức người tham gia đoàn mạo hiểm đã tìm
thấy xác của Xcốt và ba bạn đồng hành của ông. Mãi sau chiến tranh 1918
Xêđức mới đi tìm Anna tại một thành phố nhỏ miền duyên hải Bắc Êcốtxơ.
Lúc đó là đầu đông. Tuyết giống như bạc xỉn trải dài trên những cánh đồng
bên ngoài thành phố và biển cả thở dài bên bờ, nghỉ ngơi trước những trận
phong ba mùa rét.
Người chồng của Anna, giám đốc cảng cá, suốt tối ngậm tẩu, lặng lẽ mời
Xêđức uống cà phê và ăn bánh bích quy giòn. Đọc xong bức thư của Ôtxơ,
Anna không nói nửa lời, nàng mặc quần áo đi ra phố. Chỉ có mỗi một mình
ông lão Hécnê, người coi cửa biển, bạn chồng Anna là tìm cách đánh tan cái