Sương cứ rạng dần, mỗi lúc một trong hơn, qua nó ta trông thấy những xứ
sở xa xôi mềm mại của những đám mây vàng và hồng tươi.
Trời không có gió nhưng lá trong vườn cứ rụng theo nhau. Những cây
bạch dương qua đêm ấy đã vàng đến tận ngọn và từ trên đó, những chiếc lá
tới tấp rụng xuống như một trận mưa mau buồn thảm.
Tôi quay vào nhà; không khí trong nhà ấm và làm ta buồn ngủ. Cây bạch
dương bé bỏng trong thùng gỗ đứng trong ánh bình minh nhợt nhạt và bất
thần tôi nhận thấy chỉ qua một đêm ấy nó đã úa hết và mấy chiếc lá vàng da
chanh đã nằm dưới sàn.
Không khí ấm áp trong phòng không cứu nổi cây bạch dương. Một ngày
sau nó đã trút hết lá, như thể nó muốn theo kịp các bạn lớn tuổi của nó vừa
trút hết lá trong các khu rừng lạnh lẽo lớn và nhỏ trên những cánh rừng thu
bao la và ẩm ướt.
Vania, Ruvim, và cả bọn tôi đều buồn. Chúng tôi đã quen nghĩ rằng trong
những ngày đông tuyết phủ cây bạch dương của chúng tôi sẽ cứ xanh tươi
trong các phòng có ánh nắng trắng và ngọn lửa vui tươi đỏ thắm của các lò
sưởi chiếu sáng. Kỷ niệm cuối cùng của mùa hè đã mất.
Khi chúng tôi kể lại cho một người quen làm nghề kiểm lâm nghe ý định
muốn cứu sống những chiếc lá bạch dương xanh của chúng tôi thì ông ta
tủm tỉm cười.
Đó là một định luật, - ông ta nói, - định luật của tự nhiên. Nếu như cây
cối không rũ sạch lá về mùa đông, chúng sẽ chết vì nhiều lẽ: vì sức
nặng của tuyết đọng mỗi ngày một dày trên lá và làm gẫy cả những
cành lớn nhất, vì cứ đến mùa thu trong lá cây lại tích tụ nhiều muối độc
đối với cây và sau hết, nếu giữa mùa đông lá cây vẫn tiếp tục nhả hơi
nước trong khi đất đóng băng lại, không cung cấp nước cho rễ, thì cây
không thể nào tránh khỏi chết khát giữa mùa đông.
Còn lão Đmitri, biệt hiệu là "Mười phần tăm"
sau khi biết chuyện cây
bạch dương thì lại giải thích theo cách của lão.