Anh chàng Hoa Kỳ nọ trắng, dài và đáng ngán. Nó chở tới Nêapôn các du
khách, phần lớn là những người đứng tuổi. Trên boong, những bà quý phái
bự phấn đi đi lại lại, lạch bạch trong những bộ quần áo tắm nhăn nhúm với
những cặp kính râm đủ mọi hình thù quái dị: hình con dơi, hình bình hành,
hình những con bướm nhiệt đới và hình dù nhảy. Bọn đàn ông mặc quần đùi
đi lại không hề ngượng ngập với đôi chân gà trống xanh lợt của mình.
Nhưng ở đây, ở Nêapôn nơi màu sắc trời mây và biển đang biến toàn thế
giới hữu hình thành một làn khói lam uyển chuyển, và đêm đêm nức nở
giọng những người hát rong trên các phố, cái lạ đồng thời cũng khó chịu
nhất chính là ở chỗ lũ đàn ông và đàn bà Hoa Kỳ kia hóa ra là những kẻ
đáng ngán và vô vị hết chỗ nói và tất nhiên, là những kẻ không chịu từ bỏ
lấy một chút gì trong những thói quen hủ lậu của họ. Đối với họ, thế giới
này chẳng có gì đáng ngạc nhiên hết. Đất đai đã không cho họ đủ sở cứ để
mà khâm phục, mặc dầu thỉnh thoảng nó cũng xứng với những cái vỗ vai
khích lệ.
Qua gian phòng hải quan rộng lớn với hình những con thuyền buôn đời
xưa bằng gạch chắp trên nền, chúng tôi bước ra đập chắn sóng và đặt chân
lên đất Ý. Đất lát đá củ đậu thông thường. Từng đàn bồ câu lang thang trên
những hòn đá.
Những viên cảnh sát đội mũ cát trắng, thắt lưng trắng nhìn chúng tôi một
cách chăm chú chờ đợi. Thỉnh thoảng cặp mắt của họ như cầu khẩn chúng
tôi điều gì mà chúng tôi không sao hiểu. Một lát sau mới vỡ lẽ rằng những
viên cảnh sát muốn xin chúng tôi đồ lưu niệm Maxcơva ("Suveniro đe
Moska"), nhất là những huy hiệu có cảnh cung Kremli. Hỏi thẳng thì họ
không dám.
Tôi đi ra đại lộ Bờ Biển. Tôi không quên em bé gái người Ý và mang theo
con matơriôska bọc trong giấy mỏng. Những nhà sưu tầm đồ lưu niệm còn
lặng lẽ lẽo đẽo đi theo chúng tôi với vẻ trách móc một lát rồi mới chịu rớt
lại.
Tôi không gặp ngay lúc đó một em bé gái nào hết. Nói cho đúng, rất có
thể tôi đã bỏ quên mà không thấy em bé đó vì tôi cứ dừng lại và nhìn vào