Tôi giật mình và mở mắt. Thì ra tôi đã thiêm thiếp ngủ và đánh rơi bản đồ
viện bảo tàng Luvrơ. Danh sách những phòng ở mặt sau của bản đồ làm tôi
bối rối khi tôi hình dung ra vô vàn những tài sản phong phú của hội họa
được gìn giữ trong tòa lâu đài thấp và hùng vĩ ấy.
Một bà lão bé nhỏ bận bộ đồ đen hơi cũ, mang bao tay đen đã mạng và
đội chiếc mũ nhỏ như một cái tổ chim, đã lỗi thời. Người Pháp gọi những bà
lão như thế một cách trìu mến là "cố exixnen", dịch ra tiếng Nga nghĩa là
"con bọ rùa vàng".
Bà lão nhanh nhẹn đan một chiếc bít tất trẻ con và ngước mắt qua cặp
kính nhìn đứa cháu trai, một thằng bé vụng về, đang chơi trên đống cát.
Tôi cảm ơn bà lão, nhặt tấm bản đồ lên và lắng nghe những tiếng kêu như
tiếng chim, ngắn và dồn dập của những người bà, những người mẹ trẻ tuổi
và những bà nhũ mẫu. Những tiếng kêu ấy như thể đang liên tục phi chung
quanh tôi trong khắp công viên.
Những tiếng kêu ấy hoàn toàn giống in như ở mọi nơi khác trên cả thế
giới. Nếu dịch những tiếng kêu ấy ra tiếng Nga, chúng ta sẽ có trọn bộ
những lời dọa nạt và cấm đoán: "Mày đi đâu đấy, hả?", "Quay lại ngay lập
tức!", "Đợi đấy tao sẽ mách bố cho mà xem", "Tao đến phải sửa cho mày
một trận mới được!", "Không được ném cát vào nhau thế!", "Không được
làm bẩn áo!", "Đi lại đây tao chùi mũi cho. Rõ xấu hổ".
Nhưng tôi có cảm giác rằng trong những tiếng kêu quốc tế ấy, ở đây, ở
Pari, chúng mang một phong cách tao nhã đặc biệt. Có thể là phong cách đó
lệ thuộc vào lối ngân nga du dương và cách phát âm chữ "r" một cách rất
Pháp của những thiếu phụ Pari.
- Ông là người nước ngoài? - Bất thình lình bà lão hỏi, vẫn cặm cụi đan.
- Vâng tôi người Nga.
- Vậy ra ông từ Maxcơva đến?
- Vâng, tôi từ Maxcơva đến.
Bà lão ngẩng đầu, đôi tay đi tất chắp lại như cầu nguyện và cất tiếng hát.