Trong quán cà phê chúng tôi uống một thứ gọi là "paik" - một thứ nước
hơi kỳ lạ. Uống xong, trong giây lát, ta có cảm giác như vừa đi tắm sông về.
Cái oi ả cứ tích tụ trên thành Pari. Có thể nói là trông thấy được cái nóng
và nó gợi ta nghĩ đến thán khí. Tôi có cảm giác như nhìn thành phố qua một
kính lọc màu vàng.
Một lát sau ông già bỏ đi: con dâu ông nhờ ông mua nửa lít dầu ôliu.
Chia tay với ông già, tôi cảm thấy trong lòng một trạng thái của sự đụng
chạm bất thần và gần gụi với một cuộc sống xa lạ và hẳn là nghèo nàn với
nửa lít dầu ôliu, với cách sống mà tôi chưa hề biết. Cách sống ấy đã cắm sâu
vào quá khứ của nước Pháp những cỗi rễ xa xôi và không phải bao giờ cũng
dễ hiểu.
Nhưng đồng thời, đối với tôi, ông già lại giống như một người quen cũ từ
xưa. Ông ta chẳng khác gì một con người bình dị của bất cứ nước nào.
Chúng tôi đã tới nước Pháp trong năm 1956 khó khăn. Nhưng mỗi người
trong bọn chúng tôi đã phát hiện được một cách hết sức rõ ràng cái chân lý
nói rằng những người dân bình dị của bất cứ nước nào đều không thể là thù
địch của những người dân bình dị các nước khác, rằng sự hằn thù ấy chỉ có
trong ý thức của những nhà chính trị, những tay chạy hàng sách và những
tên phiêu lưu chủ nghĩa, như một chất độc ghê tởm.
Chúng ta, những người Nga, bao giờ chúng ta cũng thiết tha yêu mến
những người Pháp và chúng ta nói lên tình yêu ấy một cách đơn giản, chân
thành, thậm chí còn vụng về nữa, ở bất cứ nơi nào.
Những người Pháp, nói theo nghĩa một dân tộc, xứng đáng với lòng biết
ơn vĩ đại của chúng ta vì tất cả: vì tình đoàn kết, hữu nghị, vì tính vui vẻ, vì
khối óc sáng suốt và chính xác, vì sự biết cách yêu đời, biết cách làm việc và
nghỉ ngơi, vì lòng nhân đạo, vì tinh thần dũng cảm của những người
Gôloa
, lòng yêu tự do, vì danh dự và những thiên tài dân tộc.
Tôi từ biệt ông già, quay lại phố bờ sông và dừng lại ngay bên người bán
sách cũ đầu tiên.