Trong đống bản đồ, tôi nhìn thấy bản thảo địa đồ quãng giữa dòng sông
Cônggô đã phai màu của một thiếu úy vô danh người Pháp. Ông là người
Âu đầu tiên đã lọt vào trong những xứ sở còn trinh trắng ấy.
Trên bản địa đồ có ghi dấu thập đỏ tất cả những nơi viên thiếu úy bị lên
cơn sốt vàng da khắc nghiệt.
Bản địa đồ chưa hoàn thành. Nơi nó đứt quãng ở một khuỷu sông xa vắng
người ta đã vẽ một chữ thập lớn và ghi bằng nét chữ ngoằng ngoèo rằng ở
đây thiếu úy đã qua đời và thi hài ông đã được "trả lại cho đất".
Người bán sách cũ của tôi đặc biệt có nhiều sách về các thuộc địa Pháp
miền xích đạo: Mađagaxca, Nuven Calêđôni, quần đảo Tahiti và Rêuyniông,
Guyan thuộc Pháp, những vùng đất Cônggô độc địa và hăng xè. Trong số ấy
có vài cuốn sách ảnh thượng hảo hạng. Từ những trang giấy phấn và những
minh họa màu còn bốc lên cái oi ả nhiệt đới. Thậm chí tưởng như còn thấy
cả hương của những quả lạ làm ta buồn ngủ. Những cặp mắt đuôi lươn của
các cô gái đảo hình như bị phủ một màn sương vì những luồng không khí
xanh lơ chảy trôi trên những đại dương, liên tục thay đổi đậm độ và phương
hướng.
Đó là cái ngoại mỹ
thập toàn, trong hình thức trinh bạch chưa bị sự
nhuốc nhơ thuộc địa làm cho u tối, của nó. Nói cho đúng, đó là thế giới của
trí tưởng tượng còn trẻ. Những viên thiếu úy Pháp dũng cảm chết vì khí hậu
độc địa của nhiệt đới trong những vùng rừng rậm châu Phi không ngờ rằng
họ đang đặt một con đường rộng rãi thọc vào trái tim của lục địa Đen cho sự
cưỡng bức, lợi nhuận, bệnh hoa liễu, rượu trắng, sự tàn phá đất đai và sự
khinh thị tột cùng đối với những điều sơ đẳng của nhân tính.
Cho đến nay sông Nige vẫn đang kéo lê dòng chảy nặng nề của nó trong
chiều hôm vắng lặng và mặt trời vẫn lặn trên những sa mạc ca hát Xahara.
Cái lặng lẽ của sa mạc và cái trong sáng gần như kỳ lạ của không khí đã
cướp đi mất nhiều người lính của nước Cộng hòa Pháp. Hầu như tháng nào
cũng vậy, những người lính và những viên sĩ quan rời lô cốt và pháo đài
đóng dọc biên giới sa mạc đi vào Xahara và không phải là ít những lần họ