Tôi ngắm nghía hồi lâu những phiên bản tuyệt đẹp những bức tranh của
Utrillô, Đêran, Matitxơ, Mackê, ngắm nghía những cuốn sách cũ với những
hình in nổi trang kim rất tinh tế trên bìa và những bản thảo khô xác.
Những ông già vô cùng lễ phép với dáng dấp của những nhà hàn lâm với
những bộ râu ngắn lục lọi trong những chồng bản thảo.
Không ở một quầy bán sách cũ nào trên những phố bờ sông Xen tôi gặp
những tờ tạp chí đỏng đảnh như thể đang nháy gọi đàn ông
- những tạp chí mang một biệt hiệu chung là "nuy". Ở Pari, người ta xuất
bản khá nhiều tạp chí loại ấy. Đó là những tờ báo "đàn bà cởi truồng".
Những tờ báo đó in hàng trăm ảnh con gái nửa truồng hoặc trần như nhộng
với một nụ cười khêu gợi chết lặng trên môi.
Không, những người bán sách cũ ở những phố bờ sông Xen rõ ràng không
buôn những tạp chí loại ấy. Những truyền thống của Anatôn Frăngxơ vẫn
còn được bảo tồn ở đây. Hầu hết những người bán sách cũ còn nhớ ông già
cao, lễ độ, với đôi mắt tươi cười - ông Frăngxơ, con của cụ bán sách Tibô.
Phải, đó là một con người biết cách rút ra từ những cuốn sách khổ đôi cũ kỹ
những kho báu văn học chân chính.
Tôi được Pie Gamara, một nhà văn và đồng thời là một nhà thơ, một con
người rất duyên dáng, một đảng viên cộng sản, dẫn đi làm quen với những
người bán sách cũ. Pie Gamara là người Tuludơ. Anh nhút nhát như một cậu
học trò, dịu dàng đến cảm động, nhưng rất nghiêm khắc trong cách đánh giá
văn học.
Sau khi đi thăm những người bán sách cũ, anh đưa tôi đi xem tòa nhà của
thư viện Madarini. Dây trường xuân mọc trên tòa nhà dày đặc đến nỗi tưởng
ngôi nhà cổ kính ấy khoác trên vai một chiếc áo choàng lông màu lục.
Rồi trong một phố hẹp, anh chỉ cho tôi ngôi nhà Picátxô ở - một ngôi nhà
nghèo nàn và rất chật hẹp - nơi chắc hẳn ngoài Picátxô trước kia chỉ có toàn
sinh viên.
Trước khi chúng tôi rời Pari, Gamara còn đến khách sạn thăm chúng tôi
và chúng tôi tặng anh, ngoài sách ra, một hộp lớn trứng cá và bối rối vì