Chủ nhân duy nhất của những khu vườn đó (nói đúng hơn, trong những
ngày thường) là cái yên lặng. Có thể nghe nó mãi mãi. Tiếng ồn xa xa của
Pari, giống như tiếng rì rầm đều đều của một thác nước khổng lồ, làm cho
yên lặng nổi bật hẳn lên.
Tôi đến Vecxây vào buổi sáng. Thế mà buổi tối tôi đã đọc một mẩu tin
trong một tờ nhật báo Pari về việc ở khu phụ cận những công viên Vecxây
người ta tìm thấy xác một người lái xe thất nghiệp và đứa con trai ông ta,
một thằng bé chừng lên tám. Người cha, tuyệt vọng vì cùng đường sinh
sống, đã bắn chết con trai và tự bắn mình, trong "một phút điên cuồng", như
tờ báo viết. Tin đó được đăng dưới đầu đề: "Tấn thảm kịch ghê gớm ở
Vecxây".
Cái yên lặng của những khu vườn đó đã giấu đi nỗi đau khổ cay nghiệt
của con người, đã giấu đi lời cầu xin lòng thương của thằng bé. Không ai
trong những người đương thời nghe thấy lời cầu xin ấy. Những nhà nhân đạo
chủ nghĩa vĩ đại của nước Pháp đã mất từ lâu; cả Huygô, cả Dôla, cả
Rômanh Rôlăng. Họ chỉ còn để lại những nấm mồ với những đóa hoa khô
xác.
- Đời là thế đấy! - Người Pháp thích nói như vậy.
Nhưng dẫu sao thì Vecxây cũng vẫn cứ tuyệt đẹp. Nó ngự trị trên trái tim
người và giữ trong bóng mát những khu vườn của nó mùi ẩm ướt của rễ và
chồi cây: hương của bất tử. Ở Pari ta không thấy đâu hương ấy.
Một hôm có hai người đàn bà thanh lịch đến khách sạn của chúng tôi ở
Môngmác.
Họ đề nghị mời hai nhà văn Xôviết: Granin và tôi xuống cái hall nhỏ bé,
nơi tay Hà Lan mồ hôi đầm đìa đang đánh nốt ván bài với người đàn bà mộ
đạo làm nghề quét dọn. Lập tức Pơti Pie phóng ngay lên gọi chúng tôi bằng
cái thang máy nhiều cạnh của cậu ta.
Pơti Pie lên phòng chúng tôi trên tầng thứ tư, cái tầng gác với hành lang
tối và nức mùi cỏ oải hương bụi bặm, như từ thiên đường vào địa ngục và