bọn chúng tôi. Tôi có cảm giác như trong cái nhìn ấy có một lời cầu xin khó
hiểu và một nỗi buồn.
Bà lặng lẽ cầu xin gì ở chúng tôi lần cuối? Bà xin chúng tôi tình thương,
bà xin chúng tôi hãy coi bà như một người Nga, một người thân yêu, một
người của "ta", mặc dầu những năm lưu vong bắt buộc.
Cảnh nhộn nhạo ngoài ga và bước nhảy lật đật của những kim đồng hồ
trên ke không cho phép bà tập trung tư tưởng và nói lên điều gì đó quan
trọng nhất.
Tàu chuyển bánh. Liđia Nicôlaépna đi ngay bên cạnh toa, tay trái giơ ra,
bám chặt những ngón tay vào thành toa bụi bặm, như sợ phải chia ly với nó,
không để ý gì đến chuyện kiểm soát viên và một người nào đó đội mũ kêpi
vàng đang gọi to bảo bà lùi xa ra khỏi con tàu.
Rồi bà bất thần đứng lại và đưa vật duy nhất có trong tay bà lúc ấy - chiếc
ví da láng lên che mắt.
Suốt đêm con tàu hồng hộc kêu một cách man rợ và điên cuồng lao về
phía đại dương, như thể ở đó nó để quên mất vật gì vô cùng quý báu.
Ở Lơ Havrơ, mưa đều hạt ồn ào chảy từ những mái nhà dốc đứng. Trong
những vũng tàu đỗ, ngả nghiêng trước sóng đại dương những vết dầu máy
lúc thu hẹp lại, lúc loang ra.
Chúng tôi đi qua phòng hải quan đầy ánh sáng, giống như một nhà chứa
máy bay, lên những boong tàu trống rỗng và ướt át.
Đang đêm, tôi trèo lên boong. Tôi không ngủ được. Qua tiếng rì rào khe
khẽ của biển Măngsơ tôi nghe thấy tiếng chuông reo trên những phù tiêu và
những vầng sáng yếu ớt. Đó là những ngọn hải đăng mất ngủ trên bờ biển
Pháp đang chiếu sáng.
Và, cũng như trước cuộc gặp gỡ với Pari, và giờ đây vì sự chia tay với
thành phố ấy, tim tôi lại bắt đầu đập một cách nặng nhọc.
Ianta, tháng tư 1959
KIM ÂN dịch