Ulianxki - cựu công nhân sắp chữ và người sửa bài cho tờ nhật báo Tin
tức thương mại ở Pêterburg - vừa mới ở trại tù binh Đức trở về.
Danh hiệu "tù binh" trong thời gian nội chiến có cả cái ưu thế của nó và
cái nguy hiểm của nó.
Trong thời gian đó tù binh dễ dàng qua lại những mặt trận nội địa. Mẩu
băng nâu khâu vào tay áo lúc đó là một giấy thông hành có thể tin cậy.
Nhưng bù vào đấy, không ai có thể bị coi là gián điệp nhiều hơn tù binh.
Họa chăng chỉ có những khe núi và những cánh đồng cỏ Ukraina mới biết
được con số tù binh bị giết bởi tay bọn bạch vệ, quân lính của Petliura
bọn cướp Makhnô.
Ulianxki đã luồn lách qua các cơ quan phản gián, những lần xử bắn và
những cuộc chém giết dã man, lần mò về được tới Batum để nằm vật ra ở đó
vì kiệt lực.
Bò lết từ toa chở hàng này đến toa chở hàng kia, nguời Ulianxki lúc thì
sặc mùi than đá, lúc thì mùi phấn, lúc thì mùi rỉ sắt. Ban ngày, những người
đàn bà Thổ giàu lòng thương người ở các phố xá gần bờ biển cho anh ăn.
Đôi khi anh mang xách hành lý cho hành khách xuống tàu. Vì chuyện đó mà
một tên thủy thủ người Hy Lạp có lần đã đánh anh.
Cuối cùng Ulianxki mò tới công đoàn thủy thủ yêu cầu được giúp đỡ và
bất ngờ anh đã tìm ra cái cánh cửa nứt nẻ với mảnh giấy ghi chữ: "Tòa soạn
nhật báo hàng hải "Cây đèn biển".
Ulianxki bước vào. Trong tòa soạn mọi người đang ngồi nhai bánh mì khô
cứng với xúc xích.
Người ta cho Ulianxki một mẩu xúc xích, một cốc nước chè và năm rúp
tạm ứng nhuận bút cho bài bút ký mà anh hứa sẽ viết. Cho đến ngày ấy suốt
đời Ulianxki chưa từng viết lấy một dòng, trừ vài lá thư.
Anh dằn lòng không dám nghĩ đến chuyện lấy năm rúp rồi chuồn và mặc
kệ bài bút ký. Bài báo anh phải viết ngay. Công việc đó thực là gian nan và
dễ sợ.