Ngày hôm sau, Ulianxki mang đến tòa soạn một bản thảo quái gở, viết
bằng chì tím cứng giữa các dòng trong những trang xé ra từ một cuốn sách
nhi đồng.
Đồng chí chủ bút đưa giấy cho Ulianxki và bắt anh chép lại bài bút ký.
Ulianxki trong khi chép lại, vụng trộm kéo miếng xúc xích trên bàn xuống
và giấu vào trong túi.
Đồng chí chủ bút đọc xong bài bút ký, chăm chú nhìn Ulianxki rồi nói:
- Anh hãy nói thực đi, anh là ai?
Ulianxki hoảng sợ, anh chưa từng phạm tội, trừ việc đánh cắp miếng xúc
xích, cuộc sống vô gia cư và diện mạo khả nghi. Vì thế anh im lặng.
- Anh đã đọc Kuprin
chưa? - Ông chủ bút hỏi.
- Đã.
Bài này anh viết còn hay hơn cả Kuprin!
Tờ báo hàng hải "Cây đèn biển" đẹp hẳn lên vì bài bút ký của Ulianxki.
Anh đã tả một chuyện bình thường: chiếc tàu Anh "Skôtis Menextrel", lúc
đó đang đậu ở bến.
Tả con tàu đó, Ulianxki đã vẽ ra cả bộ hài cốt kinh khủng của nước Anh.
Những chiếc áo choàng láng cao su của các sĩ quan lạnh lùng và vênh váo
giống như cái lối dương dương tự đắc của nước Anh. Cái gáy đỏ rực màu
máu của thuyền trưởng gợi nhớ đến chính sách thực dân. Con tàu là một
mẩu nước Anh tràn ngập sự hằn học Thiên Chúa giáo và những chân lý kiệt
quệ. Nó làm người ta buồn nôn.
Trong khối óc mệt lử vì chiến tranh và thiếu thốn của Ulianxki đã hình
thành một chất độc quý báu của văn trào phúng xã hội. Những chữ thoạt mới
đọc tưởng chừng rất lành trong thực tế lại cứa sâu như những lưỡi dao cạo.
Đó là sự trả thù tất cả những gì già cỗi và là bản lâm khốc tràn đầy niềm
căm giận chính đáng.