Ít lâu sau, Ulianxki biến khỏi Batum. Năm năm sau đồng chí chủ bút báo
"Cây đèn biển", lúc đó ở Maxcơva nhận được một cuốn sách dày gửi bằng
đường bưu điện. Trên bìa sách in tên Ulianxki. Cuốn sách gồm những truyện
ngắn tuyệt hay, chúng giản dị và nặng nhọc như bước của một con người
mệt mỏi.
Đồng chí chủ bút giữ cuốn sách như người ta giữ một món quà quý.
Nhưng, tất nhiên, rồi người ta cũng thó mất của ông.
Sau đó ít lâu cuốn sách tuyệt mỹ thứ hai của Ulianxki dưới đầu đề "Chiếc
áo vét- tông tơi tả" ra đời.
Ulianxki bước vào văn học không hấp tấp, vừa đi vừa tích lũy thêm
những tháng ngày lưu lạc. Trong cuộc sống vô gia cư của anh, anh tìm thấy
chất liệu cho những truyện ngắn và phải nói rằng trong giới nhà văn không
ai là người dám làm như anh. Ulianxki bắt cuộc sống nắm lấy cổ họng anh
và không phải nắm đùa đâu, mà là nắm thực sự.
Ký giả Lôvengarđơ
Trước cách mạng, ký giả Lôvengarđơ ở Ôđetxa giữ cái mục gọi là "tin
cảnh sát". Đó là số phận của những nhà báo bất tài và nhút nhát.
Những ký giả của sở cảnh sát có truyền thống riêng của họ và bút pháp
riêng của họ. Họ viết đại loại thế này: "Trong địa phận Đệ nhị phân khu đã
tìm thấy một người lạ mặt bị một vết thương rách miệng, ở gan bàn chân
trái. Người lạ mặt tự xưng là Apôlôn Gavriliađi".
Khi thư ký tòa soạn hỏi xem liệu có người nào mà gan bàn chân không ở
chân mà lại ở trên một bộ phận nào khác của cơ thể không và tại sao lại gọi
Gavriliađi là người lạ mặt thì những nhà viết tin thời sự cảnh sát chỉ bối rối
nín lặng. Thư ký tòa soạn bèn quẳng những mẩu tin của họ vào sọt rác.
Các ký giả cảnh sát thích đặt những đầu đề nghịch ngợm và rẻ tiền. Trên
mẩu tin viết về một thiếu phụ đẻ rơi ngay trên "chuồng gà"
rạp xiếc, họ
liều mạng hạ luôn đầu đề: "Cô nàng đã tìm được một chỗ hết sẩy" hoặc bên
trên mẩu tin về một gia đình bị ngộ độc chết cả nhà vì ăn cá, thì họ viết
"Thèm cá quá đi mất!".