Sau này Lêvitan nhớ lại mùa hè ở Xantưkốpka như một mùa hè khó khăn
nhất trong đời. Trời nóng hầm hập. Hầu như ngày nào dông bão cũng phủ
kín trời, sấm nổ rền, cỏ dại dưới cửa sổ xào xạc trong gió, nhưng không có
lấy một giọt mưa rơi.
Những khi trời chập choạng tối mới đặc biệt khó chịu. Ở trên ban công
bên biệt thự hàng xóm người ta đốt đèn. Những con bướm đêm kéo đến như
những đám mây, đập mình vào kính đèn. Trong sân quần
chát. Các cậu học trò trung học và các cô gái đùa cợt, cãi vã cho đến hết ván,
và rồi tới khuya một giọng nữ hát ngoài vườn một bản tình ca buồn rượi.
Giọng em đối với anh vừa âu yếm vừa uể oải...
Lúc đó là lúc những bài thơ của Pôlônxki, Maikốp và Apukhơtin
nổi tiếng hơn là những âm điệu giản dị của Puskin, đến nỗi Lêvitan cũng
chẳng biết lời bản tình ca là của Puskin.
Tối tối từ bên này hàng rào chàng nghe giọng hát của thiếu phụ không
quen biết, chàng nhớ thêm một bản tình ca nữa, bài hát nói về chuyện "tình
yêu nức nở" như thế nào.
Chàng muốn được thấy thiếu phụ, người có giọng hát sao mà buồn và
thánh thót, muốn được thấy các cô gái chơi quần và các cậu học trò trung
học vẫn thường dồn những quả bóng gỗ đến tận nền đường sắt với tiếng reo
hò chiến thắng. Chàng muốn được uống trà trong những ly sạch trên ban
công, lấy chiếc thìa con động vào lát chanh, đợi một lúc lâu cho mứt mơ từ
cái thìa con ấy chảy xuống thành một sợi chỉ trong suốt. Chàng muốn cười
phá lên và cợt nhả, chơi trò "Cháy đi"
hát cho tới nửa đêm, chạy thật
nhanh với những bước khổng lồ và nghe tiếng thì thào cảm động của những
cậu học trò trung học về nhà văn Garsin, người viết truyện ngắn "Bốn ngày"
bị sở kiểm duyệt cấm. Chàng muốn được nhìn vào đôi mắt của thiếu phụ
đang hát nọ: mắt của những người đang hát bao giờ cũng chỉ hé mở và tràn
ngập nỗi buồn tuyệt đẹp.
Nhưng Lêvitan nghèo, chàng gần như một người hành khất. Chiếc áo vét-
tông kẻ ô vuông cuối cùng đã rách tan. Chàng đã lớn vượt ra ngoài chiếc áo