quét bằng một lượt màu mờ nhạt. Muốn trở về với thực tế ta phải đến sát nó
và sờ lên đá.
Lêvitan làm việc còn rụt rè. Các họa sĩ Pháp, họ làm việc bạo dạn và kiên
trì. Cảm giác về tự do cá nhân, truyền thống văn hóa, môi trường các bè bạn
thông minh giúp họ làm việc. Lêvitan không có những cái đó. Ông không hề
biết cảm giác tự do cá nhân. Ông chỉ có thể mơ ước nó, nhưng mơ ước một
cách bất lực, với nỗi căm giận cái đần độn và buồn nản của cuộc sống nước
Nga lúc ấy. Không có cả một môi trường các bè bạn thông minh.
Từ sau chuyến đi về phương Nam, cộng với nỗi u sầu quen thuộc, còn
thêm nỗi nhớ thường xuyên những màu khô và rõ nét, ánh nắng, cái ánh
nắng biến mỗi ngày không có gì đặc sắc của đời người thanh một ngày hội.
Ở Maxcơva không có nắng, Lêvitan sống trong những phòng trọ của
khách sạn "Anh quốc" ở phố Tvenxkaia. Thành phố, suốt đêm bị sương mù
lạnh buốt bao phủ dày đặc đến nỗi không kịp sáng lại trong một ngày đông
ngắn ngủi. Ngọn đèn dầu hỏa cháy trong phòng. Ánh sáng màu vàng lẫn lộn
với bóng tối của một ngày ẩm ướt và phủ những vết xạm lên mặt người cùng
những bức tranh mới bắt đầu vẽ.
Thiếu thốn lại trở lại, tuy giờ đây không còn kéo dài. Lêvitan phải trả tiền
phòng cho bà chủ khách sạn không phải bằng tiền giấy mà bằng phác thảo.
Lêvitan cực kỳ hổ thẹn mỗi khi bà chủ đeo kính vào và xem đi xem lại
những "cái tranh" để chọn lấy cái dễ bán nhất. Đáng ngạc nhiên hơn cả là
những lời càu nhàu của bà chủ khách sạn thường trùng hợp với những bài
viết của các nhà phê bình trên các báo:
- Mơxiơ Lêvitan, - Bà ta nói - sao không vẽ trên cánh đồng này một con
bò giống, còn dưới cây đoạn kia ông không đặt thêm vào một đôi tình nhân?
Như thế có vui mắt hơn không?
Các nhà phê bình viết cũng đại khái như vậy. Họ yêu cầu Lêvitan làm cho
phong cảnh sinh động lên bằng ngỗng, bằng ngựa, những người chăn bò và
con gái.