trở thành nhàm để đi về nơi hẻo lánh kia, về những bờ hồ xa lạ, những con
đường rừng mà ở đó, mỗi âm thanh đều ngân dài và rõ ràng như ở trên đỉnh
núi, giống như một tiếng còi tàu hay tiếng hót của những con chim bay nhảy
trong những bụi thanh lương trà.
Tình cảm đối với những vùng thân yêu ta đã gặp từ thuở xa xăm ấy, từ
những bức tranh "miền Vonga" và tranh "thu" của Lêvitan sẽ còn mãi mãi
với ta.
Đời của Lêvitan nghèo sự kiện. Ông ít đi đây đi đó. Ông chỉ yêu vùng
trung du nước Nga. Đi đâu ông cũng coi là phí thời gian. Đối với những
chuyến đi ra ngoại quốc ông cũng nghĩ như vậy.
Ông đã qua Phần Lan, Pháp, Thụy Sĩ và Ý.
Đá hoa cương Phần Lan, nước sông màu đen, bầu trời lạnh giá và biển cả
ảm đạm ở đó làm ông chán ngán "Tôi lại lên cơn buồn chết người rồi đây -
Từ Phần Lan Lêvitan viết thư cho Tsêkhôp. - Ở đây không có thiên nhiên".
Ở Thụy Sĩ, dãy Anpơ làm ông kinh ngạc, nhưng hình dáng của dãy núi
này đối với Lêvitan cũng không khác hình thù của những hình núi giả bằng
bìa cứng phết phẩm lòe loẹt.
Ở Ý ông chỉ ưa có Vơnidơ. Không khí ở đây chứa đầy những màu bạc do
những bờ vịnh tối gây nên.
Ở Pari, Lêvitan đã thấy những bức tranh của Mônê nhưng ông không nhớ
những bức tranh ấy. Mãi đến trước ngày chết ông mới coi trọng nền hội họa
của những người theo trường phái ấn tượng chủ nghĩa và hiểu ra rằng một
phần nào ông đã là bậc tiền bối của họ ở Nga và lần đầu tiên ông công nhận
tên tuổi họ.
Trong những năm cuối cùng của đời ông, Lêvitan đã ở lâu trong vùng gần
Vưsni- Vôlôtsốc bên bờ hồ Uđômli. Ở đó, trong gia đình nhà điền chủ
Panafiđinưi ông lại rơi vào những quan hệ rôi ren giữa người và người, ông
dùng súng tự sát, nhưng người ta đã cứu sống ông.
*
Càng về già ý nghĩ của Lêvitan càng dừng lại nhiều hơn ở mùa thu.