buồn của những ngày ly biệt, những chiếc lá rụng lả tả, cỏ úa, tiếng đàn ong
bay vo vo trước khi trời trở lạnh và mặt trời cuối thu đang nhẹ nhàng sưởi
ấm mặt đất.
*
Dần dà, năm này qua năm khác, bệnh đau tim nặng phát triển trong người
Lêvitan mà cả ông, cả những người gần gũi ông, đều không hề biết tới, cho
tới khi nó phát ra dữ dội lần đầu.
Lêvitan không chữa bệnh. Ông ngại gặp bác sĩ, sợ phải nghe một bản án
tử hình. Các bác sĩ dĩ nhiên sẽ cấm Lêvitan không được giao tiếp với thiên
nhiên, mà điều đó đối với ông cũng chẳng khác gì cái chết.
Lêvitan càng buồn hơn so với những năm ông còn trẻ. Ông bỏ vào rừng
luôn - mùa hè trước khi ông qua đời, Lêvitan ở gần Zvenigôrốt và ở đó
nhiều lần người ta bắt gặp ông bối rối và đang khóc. Ông biết rằng không có
gì, cả các ông thầy thuốc, cả cuộc sống yên tĩnh, cả thiên nhiên mà ông yêu
mến đến điên cuồng kia, cũng không thể xua đuổi cái đoạn kết đang tới gần.
Mùa đông năm 1899 các bác sĩ gửi Lêvitan đi Ianta. Hồi đó Tsêkhôp cũng
đang ở Ianta. Hai người bạn cũ gặp nhau, họ đều già đi và xa lạ. Lêvitan đi
lại phải chống gậy, thở không được và gặp ai cũng nói về cái chết sắp đến.
Ông sợ chết và không giấu giếm điều đó. Trái tim gần như đau mãi không
ngừng.
Tsêkhôp buồn nhớ Maxcơva, nhớ miền Bắc. Mặc dù biển rất "lớn" theo
lời ông, nó thu hẹp cuộc đời lại. Ngoài biển và thành phố Ianta lặng lẽ giữa
tiết đông, hầu như không còn lại một cái gì khác trong cuộc đời. Ở một nơi
nào đó rất xa bên kia Kharkốp, Kurxkơ và Ôriôn có tuyết phủ, có những ánh
lửa của những xóm làng xơ xác nhấp nháy mò mẫm trong cơn bão tuyết bạc
trắng. Cơn bão tuyết có một cái gì gần gụi và tha thiết đối với con tim, gần
hơn cả những cây trắc bá bêklin và không khí ngột ngạt vùng ven biển. Cái
không khí ấy thường làm ta nhức đầu. Tất cả đều như rất đáng yêu: cả
những cánh rừng, cả những con ngòi, cả những làng Pêkhorki và Véctusinki
nào đó, những đống cỏ trên những cánh đồng hoang vắng chiều hôm, những