Thực ra, Lêvitan cũng có sáng tác mấy bức họa tuyệt diệu về mùa xuân,
nhưng hầu như bao giờ đó cũng là những mùa xuân giống nhau.
Trong bức "Nước dâng", cánh rừng bị nước lũ tràn ngập đứng trần trụi y
như lúc cuối thu và cũng không thấy đâu màng khói xanh nhạt bao ngoài của
lá đầu mùa. Trong bức "Xuân sớm", dòng sông đen đứng chết lặng giữa
những miệng hố còn chất đầy tuyết xốp và riêng có bức "Tháng ba" mới
truyền đạt được cái sáng sủa thực sự là xuân của nền trời trên những đống
tuyết đang tan, ánh nắng vàng và ánh lấp lánh thủy tinh của nước tuyết từ
các mái nhà lát ván mỏng nhỏ giọt.
Các nhà thơ, nhà văn và các họa sĩ Nga đã sáng tác những bài thơ, những
trang sách và những bức họa dịu dành nhất và cảm động nhất về mùa thu.
Lêvitan cũng như Puskin, Tiutisếp và nhiều người khác ngóng chờ mùa
thu tới như một mùa quý giá nhất và qua mau nhất trong một năm.
Mùa thu giải thoát những khu rừng, đồng ruộng và toàn thể thiên nhiên
khỏi những màu đậm đặc, lấy mưa rửa sạch cỏ cây. Những cánh rừng trở
nên thoáng đãng. Những màu tối của mùa hè được thay bằng màu vàng rụt
rè, màu đỏ thắm và màu bạc. Không những chỉ màu đất mà cả không khí
cũng thay đổi. Nó trong sạch hơn, lạnh hơn và những chân trời xa nom như
sâu hơn hẳn trong mùa hè. Cũng hệt như ở các bậc thầy của văn học và hội
họa, cái hào nhoáng trẻ trung của màu sắc và cái lộng lẫy của ngôn ngữ đến
tuổi trưởng thành sẽ được thay thế bởi tính chất nghiêm trang và cao thượng.
Mùa thu trên những tác phẩm của Lêvitan muôn hình muôn vẻ. Không thể
nào kể hết tất cả những ngày thu mà ông đã đưa lên nền vải. Lêvitan để lại
gần một trăm bức "Thu" không kể những phác thảo.
Trên những bức tranh ấy họa sĩ mô tả những vật ta quen từ nhỏ: đống cỏ
đen lại vì ẩm ướt; những dòng sông nhỏ xoay tròn những đống lá rụng trong
những xoáy nước chậm rãi, những cây bạch dương vàng óng, cô đơn, chưa
bị gió đánh trụi; bầu trời giống như một lớp băng mỏng: những trận mưa tơi
tả trên cánh rừng vừa đốn. Nhưng trong tất cả những bức tranh ấy, dù
Lêvitan có vẽ gì chăng nữa, điều truyền cảm mạnh mẽ hơn cả vẫn là nỗi