TRÁI TIM NHÚT NHÁT
Bà Vácvara Iakôplepna, nữ y sĩ của viện điều dưỡng lao, không chỉ nhút
nhát trước các giáo sư mà cả với bệnh nhân. Bệnh nhân của bà hầu hết là
dân Maxcơva - những người hay đòi hỏi và không chịu nằm yên. Họ bực bội
vì nóng, vì khu vườn bụi bặm của viện, vì thủ tục điều trị, nói tóm lại, vì mọi
chuyện.
Cũng do bản tính nhút nhát mà vừa mới về hưu bà Vácvara đã dọn ngay
ra ở ngoại ô, trong khu Karantin. Bà tậu một ngôi nhà nhỏ mái ngói, và náu
mình trong đó trốn cái ồn ào và sặc sỡ của phố phường duyên hải. Bà cũng
chẳng thiết gì cái không khí nhộn nhịp của miền Nam, âm nhạc khàn khàn
của những loa phóng thanh, những tiệm ăn sực nức mùi cừu chiên, những
chuyến ô tô buýt, tiếng sỏi lạo xạo dưới bước chân những người đi dạo.
Ở Karantin, nhà nào nhà nấy sạch bong, yên lặng. Trong những mảnh
vườn nhỏ có mùi lá cà chua bị hun nóng và mùi khổ ngải. Khổ ngải mọc cả
trên tường thành cổ bao quanh khu Karantin. Qua chỗ tường vỡ người ta đã
có thể nhìn thấy mặt biển màu xanh đục và những hòn núi đá. Ông già Hy
Lạp Xpirô, râu không bao giờ cạo, suốt ngày quanh quẩn lấy rổ xúc tôm bên
những hòn núi đá ấy. Ông để nguyên cả quần áo mà lội xuống, lấy tay sờ
soạng bên dưới những tảng đá rồi lại lên bờ ngồi nghỉ. Nước biển từ áo
ngoài cũ kỹ của ông chảy xuống ròng ròng.
Bà Vácvara gửi gắm tình thương yêu duy nhất của mình ở đứa cháu mà
bà nuôi nấng, dạy dỗ, đứa con trai của em gái bà đã khuất: thằng Vania
Gêraximôp.
Tất nhiên, bà Vácvara phải là một người nuôi trẻ vụng. Vì thế ông hàng
xóm cùng ở chung một thửa đất, ông Êgo Pêtrôvich Vêđenxki, một nhà giáo
trước kia dạy môn vạn vật, hoặc môn "Lịch sử giới tự nhiên" như ông
thường nói, hay cằn nhằn bà. Sáng nào ông cũng đi ủng ra vườn tưới cà
chua. Ông soi mói nhìn từng khóm cây sù sì và nếu thấy một cành gẫy hoặc