Quả là có ít chi tiết về những ngày cuối cùng của Kiprenxki lọt đến kinh đô
miền Bắc nhưng vì sao không thấy vang lên khúc bi ca quen thuộc của giới
báo chí trước cái chết của một con người lừng lẫy. Tại sao nhà họa sĩ không
được giành một sự kính trọng xứng đáng cuối cùng! Vì sao? Chúng tôi
không thể biết được, nhưng những lý do rồi sẽ rõ.
Lý do thật đơn giản. Nước Nga của vua Nikôlai không cần đến Kiprenxki
cũng như nó cũng không cần đến những Phêđôtốp, Puskin, Rưleep,
Lermôntốp, Gôgôn và Ivanốp
Kiprenxki đã sống một cuộc đời ngắn ngủi. Nó bắt đầu một cách chói
chang, nhưng đã tắt đi thật xuẩn ngốc và đáng buồn. Nước Nga đã túm lấy
cổ ông, dí xuống đất cho đến khi ông chịu quỳ gối trước bọn quyền thế Nga
hoàng và Benkenđorf
. Kiprenxki, nhà nghệ sĩ đã đi lạc đường và đã chết
sớm hơn, trước khi Kiprenxki con người, đã u mê và chết hẳn.
Quả cam Italia nằm lâu mãi trên bàn viết của Kukônich. Nó làm cho
không khí trong phòng đầy mùi sách cũ và ám nến dịu hẳn đi. Kukônich đã
cố giữ gìn nó và luôn cố gắng nhớ lại câu chuyện Kiprenxki đã kể năm năm
trước đây về trái cam. Sau này ông nhớ đến luôn và đã ghi lại, nhưng cũng
như bao lần đã xảy ra, ông đã để lẫn mất những điều ghi chép được trong vô
vàn những nhận xét về hội họa và những bài thơ bị bỏ dở.
Còn nhớ những lúc Kiprenxki kể về tuổi thơ của mình, ông thường không
hào hứng nhắc tới đoạn đời này - cái thời đã trôi qua trên khu nhà vườn ở
Orenienbaum. "Orenienbaum" tiếng Đức có nghĩa là "nước cam hay cây
cam".
Các cụ già còn nhớ thời Elizabet bảo rằng cái tên đó được đặt không phải
ngẫu nhiên. Ngay từ hồi Mensikôv người sáng lập ra thành Orenienbaum
còn sống người ta vẫn hái cam chín trong các lồng kính thuộc hoàng cung.
Thậm chí trên huy hiệu thành phố Orenienbaum có vẽ hình cánh đồng màu
bạc trồng những cây cam đầy quả chín.
Các cụ già còn nhớ thời Elizabet là những lão thủy thủ sống ở viện dưỡng
lão hải quân, là những người hướng dẫn, dạy bảo đầu tiên của Kiprenxki.