những hàng cây tối đen và bầu trời phủ đầy mây dông cuồn cuộn - đúng như
trên các bức tranh của các bậc thầy xưa.
Bức tranh thứ hai - bá tước tiểu thư Serbatova, - Kiprenxki vẽ bằng những
màu dịu dàng, tươi sáng mềm mại như chiếc khăn san lụa choàng lên vai bá
tước tiểu thư. Tất cả những gì tốt đẹp nhất còn lại trong các cuộc tiếp xúc
với những phụ nữ trong cuộc sống thường ngày Kiprenxki đã thể hiện trong
hình tượng Serbatôva - vẻ tư lự, vẻ dịu dàng và sự trinh bạch của người
thiếu nữ.
Có lẽ đó là những họa phẩm cuối cùng của Kiprenxki, nếu không kể đến
chân dung tuyệt vời của Gôlêniseva - Kutudova và vài bức họa khác. Lần
cuối cùng Kiprenxki đã dùng ngọn bút khơi ra từ trí tưởng tượng sâu sa hình
ảnh của những con người và những phụ nữ yêu quí - họ không còn có trong
cuộc đời thực nữa. Đó là ánh chớp trước lúc lụi tàn.
Sau đó Kiprenxki đã vẽ những bức tranh ngọt ngào, giả tạo - những mụ
địa chủ õng ẹo, những người giàu có buồn tẻ, đại diện của giới quý tộc dửng
dưng. Ông định thay thế những cá tính sắc bén trước đây bằng sự mô tả
những chi tiết sinh hoạt. Ông ngây thơ nghĩ rằng những y phục, những nhẫn,
những ghế bành và ống điếu có thể kể về con người nhiều hơn là ngọn bút
thiên tài của ông trước đây.
Cử động thoải mái của con người trong tranh được thay thế bằng dáng
điệu đần độn cứng nhắc. Màu sắc trở nên hoen bẩn, mờ đục làm cho mắt
khó chịu. Đơn đặt hàng trút xuống như mưa. Trong ngăn kéo giấy bạc xếp
thành tập và có cả tiếng vàng xủng xoảng nữa.
Khoảng thời gian đó xảy ra một sự kiện bí ẩn để lại bóng đen trong cả
quãng đời tiếp theo của Kiprenxki.
Để làm bức tranh "Ngôi mộ Anakrêôn", Kiprenxki đã tìm một người mẫu
xinh đẹp. Chị đã có một con gái - cháu bé Mariutsa. Kiprenxki vẽ cả mẹ lẫn
con.
Một buổi sáng người ta thấy chị người mẫu chết. Chị chết vì các vết bỏng.
Trên mình chị phủ một tấm vải có đổ dầu nhựa thông và cháy nham nhở.