cũng có sương mù lẩn quất, còn trên đỉnh những quả đồi thì lại nở hoa thạch
thảo.
Nếu ta nghĩ kỹ một chút xem Ôđenzê giống cái gì thì ta có thể nói rằng nó
gợi ta nghĩ đến nhiều hơn hết một thành phố đồ chơi của trẻ con bằng gỗ sồi
đen.
Không phải vô cớ mà Ôđenzê nổi tiếng vì thợ chạm gỗ. Một người trong
bọn họ, Klaux Bécgơ - tay thợ cả thời trung cổ nổi tiếng một thời - đã dùng
gỗ mun chạm một bàn thờ đồ sộ cho thánh đường Ôđenzê. Bàn thờ nguy nga
và dữ tợn đó không những đã làm cho trẻ con mà cả người lớn nữa phải kinh
hãi.
Nhưng những người thợ chạm Đan Mạch không phải chỉ làm bàn thờ và
tượng thánh.
Đối với họ, làm các pho tượng bằng những khúc gỗ lớn dùng để trang
hoàng mũi những con tàu buồm theo tục lệ hàng hải vẫn thú hơn. Đó là
những pho tượng Đức Mẹ mộc mạc nhưng có sức biểu hiện, tượng thần biển
Neptuyn, tượng thủy thần Nêrêix, những con cá heo, những con cá ngựa đầu
cúi gập. Người ta thếp vàng, sơn màu cô- ban và vàng lên những tượng ấy
và đặc biệt họ quét sơn dày đến nỗi sóng biển nhiều năm ròng rã cũng không
thể làm bong hết hoặc làm hư sơn.
Thực ra, những người thợ chạm các pho tượng cho tàu biển kia chính là
những nhà thơ của biển cả và là những nhà thơ của nghề nghiệp bản thân họ.
Không phải ngẫu nhiên mà trong gia đình một người thợ chạm như vậy đã
xuất hiện một trong những nhà điêu khắc vĩ đại nhất của thế kỷ thứ mười
chín, bạn của Anđecxen là Anbe Torvanxen
, người Đan Mạch.
Chú bé Anđecxen đã trông thấy các tác phẩm điêu luyện của những tay
thợ chạm không phải chỉ trên những con tàu mà cả trên những ngôi nhà ở
Ôđenzê. Chắc hẳn ở Ôđenzê ông đã biết ngôi nhà cổ lỗ, nơi người ta khắc
niên hiệu xây nhà trên một tấm gỗ dày trong tấm khung bằng các bông hồng
và các bông tuylip. Cũng ở đó người ta đã khắc vào gỗ cả một bài thơ và trẻ
con đã học thuộc lòng bài thơ đó. Còn những người thợ giày thì treo trên cửa