nhưng rồi cái bóng mát ấy cứ mỗi phút một nhỏ dần. Cuối cùng mặt
trời bắt đầu thiêu chân tôi, rồi tay tôi và tôi phải nâng cánh tay ấy lên,
di chuyển nó rất lâu để dùng bàn tay che mắt cho khỏi chói. Lúc đó tôi
không thấy đau lắm. Nhưng tôi nhớ rất rõ, rằng lúc nào tôi cũng băn
khoăn vì cái hộp thuốc lá.
- Tại sao anh lại sợ mất nó đến thế?
- Biết nói với ông thế nào... Hầu hết những dân mới ra trận đều có một
thói quen ngốc nghếch là viết địa chỉ những người thân thuộc trên tất cả
những thứ gì họ mang theo: trên mặt nạ chống hơi độc, trên xà cột, trên vải
lót mũ chào mào. Anh nào cũng tưởng rằng mình sẽ bị giết và không ai còn
có thể tìm ra dấu vết gì nữa. Sau này, tất nhiên chuyện đó cũng bớt dần.
- Thế anh đã viết địa chỉ ai trên hộp thuốc lá? - Bác sĩ hỏi và nheo mắt
một cách tinh quái.
Anh lính thủy đỏ mặt, không trả lời.
- Thôi được. - Bác sĩ nói một cách vội vàng. - Gác chuyện ấy lại cái đã.
Giữa lúc đó có ai bấm chuông. Bác sĩ bước ra phòng ngoài mở cửa. Giọng
một thiếu phụ trẻ hổn hển trong bóng tối:
- Pháo hoa sắp bắn bây giờ. Ông làm ơn cho phép tôi được đứng ở bao
lơn nhà ông để xem pháo hoa nhé?
- Tất nhiên, mời bà! - Bác sĩ nói. - Bà sao thế? Chạy từ tầng thứ ba lên
tầng thứ tám à? Bà muốn làm hỏng tim hẳn. Tắt đèn đi, anh! -Bác sĩ đứng ở
gần cửa, bảo anh lính thủy. - Ta ra bao lơn thôi. Nhưng mặc áo choàng vào.
Chưa tạnh hẳn đâu.
Anh lính thủy đứng dậy, tắt đèn. Ở phòng ngoài, anh chào một người đàn
bà lạ mặt. Những ngón tay họ chạm nhau trong bóng tối. Người đàn bà sờ
soạng tìm thấy tay anh lính thủy và nhè nhẹ nắm lấy.
Họ đi ra bao lơn. Mùi mái sắt ướt và hương thu thoảng thoảng. Đầu xuân
thường giống thu.
- Này, - bác sĩ rúm người lại vì nước mưa,