không cho. Người ta bảo không có giấy thông hành thì không được ra mặt
trận. Ở đó cha có thể nhận con vào, đi với cha để mang đạn hay làm một
công việc gì khác trong đơn vị. Con có thể làm được những việc ấy lắm. Và
cha sẽ kể cho con đủ mọi chuyện nếu trong trận đánh có những phút nghỉ.
Con gửi thư này trong chai như người khách du lịch đã làm vì gửi bằng bưu
điện thì chả còn gì là thú vị. Sông làng ta chảy ra Vônga, còn cái chai sẽ
theo dòng sông Vônga mà đến tay cha. Một anh chiến sĩ nào đó sẽ nhặt nó
lên, đọc địa chỉ và chuyển đến cho cha nếu cái chai không bị thủy lôi làm
chìm hoặc va vào guồng tàu thủy. Bọn trẻ nói rằng Xtalingrát dài đến bốn
mươi tám cây số và cứ mỗi bước lại có một trận đánh. À, mà con gửi thư
trong chai để mẹ không đọc được. Mẹ thường hay khóc, nhớ cha và rất khó
chịu khi con hoặc bà trông thấy nước mắt của mẹ. Nói để cha biết. Ở nhà đợi
cha trở về bình yên vô sự và ngày nào cũng nhớ đến cha. Bởi vậy con luôn
luôn yêu mến cha. Xin dừng ở đây. Alêchxây.
Anh Pếtca, con ông xay bột đã làm phi công. Người ta bảo anh ấy có bay
qua làng ta, nghiêng cánh mấy lần, nhưng con không trông thấy. Ở cái vực
bên gốc sồi cụt, cá chép nhiều vô kể, thích lắm, người ta đánh suốt ngày
đêm. Còn ở nhà ông thợ săn Pôtapôp, ban đêm có một con cáo ngốc nghếch
mò vào lồng cắp đi mất con vịt rơm: nó nhầm. Ông Pôtapôp chửi rủa nó suốt
hai ngày. Cha trả lời cho con nhé!"
Ở Maxcơva tôi cứ loay hoay mãi, không biết nên giải quyết bức thư như
thế nào? Địa chỉ của bố Alêchxây tất nhiên là không còn như cũ. Đành phải
dùng một kế lừa dối để chú bé Alêchxây khỏi buồn rầu là gửi một bức thư
về làng cho chú kèm theo tờ báo tin là thủy thủ tàu Kraxnôvôtxkơ đã thấy
cái chai có bức thư trên biển Caxpixkôiê, nhặt lên tàu và gửi trả lại, bởi vì
những trận đánh ở Xtalingrát đã kết thúc thắng lợi từ lâu và người nhận thư
đã rời Xtalingrát để đi về phía tây, giành những chiến thắng mới.
KIM ÂN dịch