Mở cửa một căn phòng dành sẵn cho khách trên lầu, bà Liên cười đôn hậu:
- Cháu cứ lưu lại đây một vài tuần, đừng ngại gì cả. Ngoài vợ chồng chú
Lương giúp việc, nhà chỉ có nội, có cô và Nam Văn thôi. Rất ít người.
Cô nhìn bà cảm kích:
- Cháu cám ơn cô.
Bà Liên cười:
- Cháu chịu ở lại là cô vui rồi, có cháu, hy vọng sẽ giúp đỡ cô nhiều trong
việc chăm sóc cho Nam Văn.
Trước khi rời gian phòng, bà Liên còn ân cần bảo:
- Phòng tắm ở cuối dãy, cháu rửa mặt và nghỉ ngơi một chút đi nhé.
Cô dạ nhỏ. Đăt túi hành lý nhỏ nhoi của mình xuống chân, Thiên Ân ngồi
thừ lên giường nhìn quanh căn phòng có màu vàng dịu mắt. Vậy là cô đã về
đây theo lời nài nỉ mời mọc của bà Liên. Cô không biết mình quyết định
như vậy có đúng không. Đầu tiên cô nán lại từ bệnh viện này sang bệnh
viện khác chỉ vì muốn chắc chắn là Văn khỏe lại để khỏi lo lắng áy náy mà
thôi. Bây giờ thì lại đến nhà anh. Vì muốn có chỗ ở tạm để ẩn thân hay vẫn
vì lo cho bệnh tình của anh? Câu hỏi ấy chính cô cũng không trả lời được.
Có lẽ cả hai lý do đều đúng.
Tình trạng sức khỏe của Văn tuy khá hơn nhưng anh như vẫn chưa phục
hồi lại được trí nhớ. Ngay cả khi ông Bằng, nội của anh vào thăm, cũng vẫn
đối diện với ánh mắt lạ lẫm cố hữu của anh. Gia đình của anh cứ buồn rầu,
nhưng không ai trách cứ và thắc mắc về sự có mặt của cô trên chuyến đi tai
nạn đó, duy chỉ có bà Trinh. Lần đầu gặp mặt bà đã lờ đi, không đếm xỉa gì
dến cô và rồi bệnh tình của Văn hiện tại làm bà khó chịu với cô ra mặt.
Như một cách nhận trách nhiệm của mình, cô lặng lẽ nán lại bên giường
bệnh với anh suốt thời gian qua, tự nguyện chăm sóc anh mà không dám
trách thái độ đầy thành kiến ấy của bà.
Đến bên khung cửa sổ nhìn ra mảnh sân sau, Thiên Ân đưa mắt nhìn những
luống hoa nở thắm bên dưới, lòng vẩn vơ nhớ lại lúc bà Liên đưa cô ra
trước mặt Nam Văn. Sau người mẹ ruột và cả người cô ruột mà anh ngờ
ngợ không nhận biết, cô không nghĩ anh có thể nhận ra được mình là ai,