- Mày thấy chưa, lần đầu đi tu nghiệp ở đây mày nói tụi Châu Âu ăn
hiếp người Việt Nam, chê tụi bây thụ động, thiếu sáng tạo, không có khả
năng phản ứng trước rủi ro. Vậy mà bây giờ mày cứ đi Tây như đi chợ - bà
Janne nói liến thoắng - Tao biết mà, tụi da trắng rồi cũng phải nhìn mọi
người một cách công bằng. Nền kinh tế ở đây đình trệ rồi, giờ phải đi đầu
tư ở các nước đang phát triển thôi. Không tôn trọng người bản xứ thì thất
bại là cái chắc!
- Bà nghĩ vậy hả? - Thu e dè hỏi lại.
- Chứ còn gì nữa, bây giờ ở Việt Nam toàn công ty đa quốc gia - bà
Janne ra vẻ sành - Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vào loại nhất thế giới!
- Tại tệ quá nên không thể tệ hơn, phải tăng trưởng thôi - Thu bĩu môi -
Còn các nước phương Tây đã phát triển đụng trần rồi thì phải đình trệ,
nhưng họ sang nước thứ ba đầu tư và rốt cuộc cũng đem lợi nhuận về công
ty mẹ.
- Thì sao? Đâu có tiêu cực - Bà Janne hớp một ngụm trà lài Thu vừa
đem từ Việt Nam sang tặng - Cả hai cùng có lợi, nước mày cũng trở nên
năng động hơn, nền kinh tế phát triển hơn, còn tụi trẻ như mày được học
hỏi những công nghệ hiện đại.
- Một nền kinh tế thực sự phát triển phải do chính những doanh nghiệp
trong nước định đoạt chứ không phải do các nhà đầu tư nước ngoài. Khi
nào các công ty Việt Nam ăn nên làm ra lúc đó mới đáng hãnh diện - Thu
cố gắng nín cười trước vẻ nghiêm túc của bà già - Mấy công ty nước ngoài
vô Việt Nam khôn lắm, tận dụng nguồn nhân lực trẻ, hất cẳng mấy công ty
nhỏ của Việt Nam ra khỏi thị trường nhờ vốn mạnh. Thôi bà ơi, tóm lại dân
tôi vẫn còn chịu thiệt lắm!
- Vậy tại sao mày không làm việc cho công ty Việt Nam mà lại làm cho
công ty Đức?