— Nghe cậu tán về đàn bà cũng chẳng làm tớ ăn ngon lên được, – cuối
cùng Call nói.
— Call này, nếu muốn ăn ngon hơn lên thì cậu phải bắn Bolivar trước
đã chứ, – Augustus nói, nhắc Call nhớ đến chính nỗi bực của anh đối với
người đầu bếp.
— Bol, tôi muốn ông thôi quạng chuông bằng cái xà beng kia đi, – Gus
nói. – Buổi trưa, nếu muốn ông cứ quạng nhưng tối thì ông dẹp đi cho.
Người có tí trí khôn nào cũng biết là đã lặn mặt trời hay chưa chứ ông.
Bolivar khuấy chỗ cà phê ngọt lừ của mình và yên lặng. Lão quạng cái
chuông báo ăn bởi vì lão thích cái tiếng của nó, chứ đâu vì lão muốn ai đó
đến ăn. Họ thích ăn lúc nào thì kệ họ, lão thích quạng vào cái chuông thì lão
quạng. Lão thích làm nấu bếp – đó là một công việc hay hay, nhàn hạ hơn là
làm một thằng kẻ cướp – nhưng như thế không có nghĩa là lão có ý phục
tùng, tuân lệnh đâu. Ý thức độc lập của lão không suy suyển.
— Tứ… ớng Lee đã giải phó… óng cho nô lệ, – lão nhận xét, giọng
cáu kỉnh.
Newt cười rộ. Trong chiến tranh Bol đã không được tử tế lắm nhưng
khi nó kết thúc thì lão lại buồn thật lòng. Đúng ra, nếu chiến tranh còn tiếp
tục thì lão vẫn cứ làm kẻ cướp – đó là một cái nghề an toàn và có lãi khi mà
phần lớn người Texas đã bỏ đi. Nhưng những người từ chiến tranh trở về
cũng chính là những tên cướp, mà súng ống lại tốt hơn. Cái nghề lập tức trở
thành quá chen chúc. Bolivar biết đã đến lúc nên về hưu nhưng thỉnh thoảng
lão cũng ngứa nghề muốn nổ súng tí chút.
— Không phải tướng Lee. Giải phóng cho nô lệ là Abe Lincoln. –
Augustus chỉnh lại.
— Chẳng khác mấy. – Bolivar nhún vai.
— Khác to, – Call nói. – Một người là Yankee Bắc Mỹ, một người
không.