cương vị đó quá lâu rồi, tuy cũng hiểu rằng bây giờ nó không còn thích hợp
nữa.
Call không phải người mơ mộng – đó là cái bệnh của Gus. Cả những
lúc ngồi một mình ban đêm trên cái dốc đứng con con này anh thật tình cũng
không mơ mộng. Đó chỉ là sự hồi tưởng lại những năm tháng mà khi một
người đã dám quây bít đường mòn của đám da đỏ lại thì hắn ta phải giữ cho
cây súng luôn luôn được sẵn sàng lên búa như thế nào. Nhưng việc sa vào
hồi tưởng cũng làm cho anh ngán nốt. Anh không thích cho ký ức hoạt động
như kiểu các ông già. Đôi khi anh buộc phải đứng lên đi tới đi lui dăm ba
dặm dọc sông cho kỷ niệm tuột ra khỏi đầu. Cho tới khi nào cảm thấy người
náo hoạt trở lại anh mới quay trở về Bồ Câu Cô Đơn.
Sau bữa tối khi Call bỏ ra sông, Augustus, Mắt Đậu Ve, Newt, Bolivar
và hai con lợn tụ tập ở hiên nhà. Bolivar mang ra hòn đá mài, bỏ nửa giờ
mài sắc con dao găm đẹp mà lão vẫn đeo ở thắt lưng. Cái chuôi dao làm
bằng sừng hươu đực và lưỡi dao lóe lên trong ánh trăng khi Bolivar thận
trọng liếc nó trên mặt đá mài, thỉnh thoảng lại nhổ vào cho ướt mặt đá.
Tuy Newt mến lão Bolivar và coi lão như bạn, việc Bol cảm thấy cần
phải mài lưỡi dao mỗi tối vẫn làm anh bồn chồn. Việc Gus thường xuyên
đùa về cướp – tuy Newt biết là đùa – đã có tác dụng. Tại sao Bol mài dao
hàng tối, với Newt đó là một bí mật, vì lẽ lão không cắt đến thứ gì bằng nó
cả. Khi anh hỏi thì lão cười và lấy đầu ngón tay cái gại gại nhẹ lưỡi dao.
— Nó như vợ mình, – lão nói. – Tốt nhất đêm nào cũng nên vỗ về.
Câu ví chẳng có nghĩa lý gì với Newt nhưng Augustus bật cười.
— Nếu đúng thế thật thì chắc bây giờ vợ ông phải cùn mất rồi. Bà ấy
một năm không được mài quá hai bận.
— Bà ấy già rồi, – Bol nói.
— Càng già càng dẻo càng dai, – Augustus nói. – Cánh già chúng ta
thích mài, cũng như cánh trẻ thôi, có khi còn hơn nữa ấy. Ông nên đón bà ấy